Mỗi bài thơ là một mảnh ký ức không thể nào quên, đầy lãng mạn, yêu thương và mong nhớ. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn có một bài thơ viết theo thể lục bát được ông sáng tác khi đang chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị thời chống Mỹ.
Bài thơ nhan đề "Mùa Thu tôi yêu" gửi gắm tình yêu quê hương, Tổ quốc vượt lên "mưa bom bão đạn" nơi "đất lửa" những năm tháng ấy.
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại từng nói rằng: "Cả cuộc đời Hoàng Nhuận Cầm chỉ có Tổ quốc và thơ ca. Và thơ ca đối với ông cũng là Tổ quốc". Điều đó thể hiện đậm nét trong tinh thần bài thơ "Mùa Thu tôi yêu".
"Từ thu có ông trăng tròn/ Từ thu trong quả bưởi thơm ngọt ngào/ Từ thu rước đèn ông sao/ Mùa thu tôi tự khi nào đã yêu" - Mùa Thu, bao dư vị ngọt ngào của thuở ấu thơ, những bức thư Bác Hồ gửi đến thiếu nhi bao mùa Trung thu để mỗi độ: "Mùa thu ríu cả bàn chân/ Bác ơi cháu thấy trong lòng nao nao/ Từ trong kháng chiến gian lao/ Mùa thu tôi tự khi nào đã yêu";
Và còn mãi đó dư âm lịch sử: "Mùa thu ấy có ai đưa/ Vào trong máu với trong thơ triệu người". Những câu thơ kết như nhắc lại những điều đẹp đẽ trong thời khắc mùa thu đã vĩnh viễn ngưng đọng trong tâm khảm: "Mùa thu mây tóc Bác Hồ/ Mùa thu quả bưởi hương đưa ngọt ngào/ Mùa thu tục ngữ ca dao/ Mùa thu tôi tự khi nào đã yêu".
Một tình yêu mãnh liệt và đậm sâu dành cho mùa thu quê hương là điều mà người yêu thơ cảm nhận rõ nét trong bài thơ "Mùa Thu tôi yêu" của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Ngay nhan đề của bài thơ đã trực tiếp thể hiện điều đó.
Từng sự kiện cuộc đời, của thế hệ, của dân tộc gắn với mùa thu được tác giả giãi bày trong suốt nội dung bài thơ như bộc bạch về ngọn nguồn tình yêu và nỗi nhớ trở thành một phần máu thịt.
Sinh thời, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng có lần kể rằng, ông viết bài thơ "Mùa Thu tôi yêu" cùng với những sáng tác khác, trong đó có chùm thơ được trao giải Nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ 1972-1973 vào trước thời khắc hành quân cấp tốc vào mặt trận Quảng Trị.
Lúc bấy giờ, tin tức từ chiến trường về Thủ đô bị gián đoạn. Gia đình nhà thơ, nhất là cha của ông là nhạc sĩ Hoàng Giác và mẹ là bà Kim Châu vô cùng lo lắng, đã đèo nhau đi khắp Hà Nội để hỏi thăm tin tức của người con trai đầu lòng đang ở chiến trường ác liệt, không rõ sống chết.
Khi hai cụ thân sinh của nhà thơ ngang qua Đài Tiếng nói Việt Nam đúng lúc nghe Đài đang phát bài thơ "Mùa Thu tôi yêu". Bài thơ như một tin mừng đến vào lúc cần đến, khi hai bậc sinh thành đang mong ngóng tin con.
Người cha đã thốt lên rằng "Cầm vẫn còn sống". Và đúng vậy, "Mùa Thu tôi yêu" như một tín hiệu sống, một bài thơ viết trong thời chiến tranh ác liệt mà thắm thiết, trong lành tình yêu, niềm tin gửi về hậu phương.
Thơ Hoàng Nhuận Cầm viết nhiều về kỷ niệm, mái trường, đồng đội, tình yêu, lẽ sống. Hầu hết các sáng tác của ông đều ít nhiều nhuốm màu nuối tiếc. Riêng với bài "Mùa Thu tôi yêu" chỉ chan chứa sự trong trẻo, ước vọng, sự sống sinh sôi nảy nở.
Đó chính là bản thể của nhà thơ, một người lính cao xạ ra đi "bảo tồn sông núi" và hành trang chính là kỷ niệm, là tình yêu, niềm tự hào về quê hương, Tổ quốc. Những ngày chớm heo may này, cảm xúc ấy truyền dẫn tới bao người hôm nay khi đọc lại những vần thơ "Mùa Thu tôi yêu" của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn