Cà phê muối là thức uống mới mẻ, gần đây đã trở thành "cơn sốt" trong cộng đồng những người yêu thích cà phê. Cà phê muối đang được rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng.
Được biết, nguyên liệu để làm cà phê muối gồm: bột cà phê, muối, sữa đặc, whipping cream. Một số người từng thướng thức loại đồ uống này chia sẻ vị mặn của muối tưởng chừng như khá mới lạ nhưng lại giúp cà phê thêm nồng nàn, sữa cũng trở nên thơm béo hơn.
Vậy, cà phê muối ảnh hưởng tới sức khỏe thế nào? Dưới đây là những ý kiến từ chuyên gia.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên viện Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng cà phê là một thức uống giúp chúng ta tỉnh táo hơn. Bình thường khi uống cà phê mọi người sẽ cho thêm một chút đường để giảm độ đắng mà không làm mất hương thơm và mùi vị của cà phê. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lạm dụng cà phê mà chỉ nên uống 1-2 tách/ngày và lưu ý không nên uống vào trước giờ đi ngủ để tránh gây mất ngủ.
Với những người thích uống cà phê nguyên chất và không thích dùng đường, PGS Lâm gợi ý mọi người có thể uống cà phê kết hợp với ăn một quả chuối. Đường ngọt có trong chuối sẽ giúp cho cà phê bớt đắng hơn. Đây cũng là cách uống cà phê chuyên gia dinh dưỡng hay áp dụng.
Đối với cà phê muối, PGS Lâm cho rằng nếu tò mò về mùi vị, mọi người có thể uống thử 1 ly. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều để tránh việc dung nạp thêm muối vào cơ thể. Ăn hay uống các thực phẩm có muối sẽ tác động tới huyết áp. Do vậy, giảm ăn mặn chính là cách giúp huyết áp ổn định, trái tim và thận hoạt động hiệu quả hơn.
"Trong trường hợp đã uống một ly cà phê muối thì ngày hôm đó bạn cần cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn", PGS Lâm cho hay.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và tư vấn Dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho hay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gam muối/ngày (tương đương với 1 thìa cà phê). Tuy nhiên, đa số người dân Việt Nam đều tiêu thụ muối gấp đôi so với khuyến cáo, tức là khoảng gần 10 gam/ngày. Do vậy, uống cà phê muối sẽ nạp thêm lượng muối vào cơ thể, tăng nguy mắc bệnh tật.
Chế độ ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các vấn đề tim mạch khác. Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây ra các rối loạn khác cho sức khỏe.
Bác sĩ Hưng cho rằng mỗi người Việt nên ăn giảm mặn xuống dưới 5 gam muối/ngày. Đối với một món lạ như cà phê muối vị chuyên gia dinh dưỡng lưu ý nhóm người có bệnh mạn tính, bệnh hô hấp, bệnh tim mạch, bệnh lý thận… cần thận trọng khi dùng.
Số liệu cho thấy hiện nay tại Việt Nam cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp, cứ 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu tử vong do tai biến mạch não. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh lý tim mạch (bao gồm cả việc ăn giảm muối) là vô cùng cần thiết.
Theo đó, các biện pháp giúp giảm muối được chuyên gia khuyến cáo bao gồm:
- Cho bớt muối: hãy giảm lượng muối và gia vị mặn cho vào món ăn khi chế biến;
- Chấm nhẹ tay: hạn chế sử dụng và hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn trong khi ăn;
- Giảm ăn các món ăn chứa nhiều muối: tránh lựa chọn hoặc hạn chế sử dụng các thực phẩm có chứa nhiều muối.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn