Uống nước lá tía tô giải nhiệt, đẹp da nhưng cần lưu ý tác dụng phụ

09:41 | 26/07/2022;
Tía tô là loại rau gia vị thơm ngon, được sử dụng phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày. Nước lá tía tô còn là đồ uống giải nhiệt, làm đẹp da hiệu quả. Tuy nhiên dùng nước lá tía tô không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Tía tô có tên khoa học là Perilla frutescens, một số tên gọi khác như xích tô, tử tô, tô diệp,... Loại cây này có nguồn gốc từ Đông Nam Á và cao nguyên Ấn Độ.

Tía tô thường cao từ 0,5 - 1m, lá mọc đối, khép khía răng, hoa nhỏ mọc ở đầu cành thường có màu trắng hoặc tím. Toàn cây tử tô có hương thơm của tinh dầu và phủ lông nhỏ.

Lá tía tô có rất nhiều tinh dầu và nhiều dưỡng chất như vitamin A, B1, B4, B6, K, C,… các khoáng chất (phốt pho, lưu huỳnh, kẽm, sắt,…). Ngoài ra, tía tô chứa nhiều thành phần hóa học như linalool perillaldehyd, β-cargophylen, L-perrilla alcohol, perillaldehyd, α-pinen, elsholtziaceton, protein, acid nicotinic, linoleic, acid linoleic, oleic, ... Các chất này đều có tác dụng đối với sức khoẻ.

1. Tía tô có tác dụng gì?

Từ xưa đến nay tía tô được dùng như là một vị thuốc quý, cả y học cổ truyền và hiện đại đều chứng minh tía tô có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người như:

1.1. Theo y học hiện đại

- Hỗ trợ chữa mề đay

Vì trong tía tô chứa tinh dầu có tính kháng khuẩn cao nên hỗ trợ điều trị các bệnh da liễu hiệu quả như mề đay, tiêu viêm. Các bạn có thể uống hoặc tắm với nước lá tía tô để làm giảm các triệu chứng này.

- Hỗ trợ chữa bệnh dạ dày

Những người có bệnh liên quan đến dạ dày có thể sử dụng là tía tô thường xuyên. Vì trong tía tô có chứa tanin và glucosid - chất này có tác dụng chống viêm, liền sẹo, làm lành vết loét, giảm tính axit trong dạ dày.

- Tốt cho đường tiêu hoá

Sử dụng tía tô giúp ổn định tiêu hoá, đặc biệt khi ăn các loại thực phẩm như cá, cua, bạn nên ăn cùng tía tô để bảo vệ đường ruột.

Uống nước lá tía tô giải nhiệt, đẹp da nhưng lưu ý tác dụng phụ - Ảnh 2.

Tía tô tốt cho đường tiêu hóa (Ảnh: Internet)

- Ngăn ngừa bệnh tim mạch

Theo một số nghiên cứu, hạt tía tô có chứa omega-3 cũng như các chất chống oxy hoá, làm giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu), tăng mức cholesterol tốt (HDL). Từ đó bảo vệ sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch.

- Ngăn ngừa dị ứng

Trong tía tô có một số chất có tác dụng cải thiện tình trạng dị ứng theo mùa, mẫn cảm như quercetin, axit alpha-lineolic, luteolin và axit rosmarinic.

Ngoài các tác dụng trên, tía tô còn có một số tác dụng khác như làm đẹp da, tăng cường miễn dịch, chống trầm cảm,…

1.2. Theo y học cổ truyền

Tía tô có tính ấm, vị cay, vào 3 kinh phế - tâm - tỳ, không độc. Theo Đông y, tía tô được xếp vào loại giải biểu, thuộc nhóm phát tán phong hàn, chữa bệnh bằng cách cho ra mồ hôi, giải cảm, khỏi sốt. Đặc biệt, khi kết hợp với hành (cháo hành) sẽ giúp người bệnh giải cảm hiệu quả, nhanh chóng.

Ngoài ra, tất cả các bộ phận của tía tô đều có thể dùng làm thuốc, hỗ trợ điều trị các bệnh như chữa mẩn ngứa, làm đẹp da, chữa cảm ho, cảm lạnh, sốt, nhức đầu,…

2. Tác dụng phụ của nước lá tía tô

Tía tô có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe nhưng lại có một số tác dụng phụ. Vì vậy, nên sử dụng thức uống này một cách phù hợp:

- Gây chướng bụng, tiêu chảy: Nếu uống quá nhiều tía tô trong một ngày sẽ làm hệ tiêu hóa bị quá tải gây đau bụng, đầy hơi, …

- Tía tô có tác dụng dược tính làm toát mồ hôi nên những người bị cảm nóng, hay ra mồ hôi mà thường xuyên dùng thực phẩm này sẽ làm tình trạng trầm trọng thêm.

Uống nước lá tía tô giải nhiệt, đẹp da nhưng lưu ý tác dụng phụ - Ảnh 3.

Uống quá nhiều nước lá tía tô làm chướng bụng, dị ứng (Ảnh: Internet)

- Gây dị ứng: Một số người dị ứng với tinh dầu trong tía tô. Vì thế, khi uống đồ uống này nên quan sát kỹ xem cơ thể có triệu chứng bất thường nào không

- Có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của phụ nữ có thai, đang cho con bú nếu uống quá nhiều, chẳng hạn như tăng huyết áp.

Để phòng tránh tác dụng phụ của nước lá tía tô, các bạn chỉ nên uống 1 - 2 ly/lần, 2-3 lần/tuần. Khi chế biến đồ uống này, không nên nấu quá đặc. Mẹ bầu, đang cho con bú nên cân nhắc khi dùng loại nước này.

3. Cách chế biến nước lá tía tô

Nước tía tô có thể chế biến nhiều cách, tuy nhiên có một công thức được nhiều người áp dụng vì cách chế biến dễ dàng, dễ uống mà lại bổ dưỡng:

- Nguyên liệu chuẩn bị

400gr lá tía tô

2 lít nước lọc

500gr đường phèn

Uống nước lá tía tô giải nhiệt, đẹp da nhưng lưu ý tác dụng phụ - Ảnh 4.

Nước là tía tô nên kết hợp với đường phèn, chanh (Ảnh: Internet)

- Cách thực hiện

Đầu tiên, bạn đem tía tô rửa sạch, ngâm với nước muối

Sau đó, đun sôi 2 lít nước rồi bỏ tía tô vào đảo đều, để khoảng tầm 5 phút cho tía tô ra dưỡng chất rồi vớt tía tô ra ngoài.

Tiếp tục đổ đường phèn vào nồi nước tía tô, đun thêm 3-5 phút cho đường phèn tan hết. Nếu không có đường phèn, bạn có thể thay thế bằng đường trắng.

Nếu các bạn thích thêm vị chua, có thể vắt nửa quả chanh vào nước tía tô. Lúc này, nước vừa chua ngọt, thanh mát lại có màu sắc bắt mắt.

Cuối cùng là cho thêm một chút đá lạnh là có thể thưởng thức.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn