Nhiều người cho rằng việc ngủ một đêm dài mà không uống nước có thể khiến cơ thể mất nước và mệt mỏi vào sáng hôm sau nên lựa chọn uống nước trước khi đi ngủ như một hình thức "bù đắp" cho vấn đề này. Thực tế là gì?
Dưới đây là những thông tin liên hệ giữa thói quen uống nước trước khi đi ngủ và sức khỏe mà bạn có thể tham khảo, theo Healthline:
Thông thường, trong khi ngủ, cơ thể sẽ sản xuất nhiều hormone hơn làm chậm chức năng thận và giảm lượng nước tiểu, cho phép giấc ngủ kéo dài từ 6 - 8 tiếng mà không bị gián đoạn. Nhưng, uống nước trước khi đi ngủ có thể làm tăng số lần thức dậy và đi tiểu vào ban đêm và khiến chu kỳ giấc ngủ bị gián đoạn đồng thời có thể khiến bạn khó ngủ lại hơn.
Nếu giấc ngủ liên tục bị gián đoạn từ đêm này qua đêm khác, điều này có thể dẫn tới chứng mất ngủ và chất lượng giấc ngủ bị suy giảm. Theo thời gian, hệ miễn dịch sẽ suy giảm do không có đủ thời gian phục hồi, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe như huyết áp cao, cholesterol tăng, mệt mỏi vào ban ngày, thiếu ngủ, thậm chí là nguy cơ bị đột quỵ hoặc đau tim tăng lên nếu người trưởng thành ngủ ít hơn sáu tiếng mỗi ngày.
Tiểu đêm hay còn được gọi là chứng đa niệu về đêm, là thuật ngữ y học chỉ tình trạng đi tiểu nhiều vào ban đêm (hơn 2 lần). Uống nước trước khi đi ngủ là một trong những nguyên nhân gây ra chứng tiểu đêm.
Theo Medical News Today, tiểu đêm không chỉ làm gián đoạn giấc ngủ mà còn có thể ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng cuộc sống của bạn, từ suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung đến việc gây ra tình trạng mất ngủ kéo dài về sau. Nguy cơ mắc một loạt các rối loạn cũng có thể tăng lên, bao gồm béo phì, bệnh tim, tiểu đường và trầm cảm.
Tiểu đêm có thể gặp ở bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi nhưng thường phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Hay có thể nói, tuổi tác cũng có thể ảnh hưởng tới chu kỳ giấc ngủ và chu kỳ tiết niệu. Càng lớn tuổi, nguy cơ bị bàng quan tăng hoạt càng cao dẫn tới các tình trạng bệnh lý ảnh hưởng tới chức năng hoạt động bình thường của bàng quang, chẳng hạn như suy giảm chức năng nhận thức do chứng mất trí nhớ hoặc đột quỵ khiến não gặp khó khăn trong việc truyền tín hiệu tới bàng quang, bệnh phì đại tuyến tiền liệt lành tính, bệnh tiểu đường hay tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị bệnh mãn tính.
Vì thế mà người bị tiểu đêm được khuyên nên tránh uống nước vào tối muộn và cốc nước cuối cùng nên là vài giờ trước khi đi ngủ. Điều này không có nghĩa là bạn phải giảm lượng nước uống trong ngày bởi uống đủ lượng nước trong ngày vẫn rất quan trọng, trừ khi bạn thuộc nhóm uống quá nhiều nước và cần phải cắt giảm.
Trước khi đi ngủ, nhóm người này cũng cần giảm/tránh uống rượu bia, trà, cà phê, ca cao hoặc sô cô la nóng, cola hoặc nước ngọt.
Uống nước trước khi đi ngủ có thể đem lại một số lợi ích như:
- Làm sạch cơ thể: Uống nước, cụ thể là nước ấm, là một cách tự nhiên giúp giải độc cho cơ thể và cải thiện tiêu hóa. Điều này được giải thích là do nước ấm giúp tăng lưu thông máu, giúp cơ thể phân hủy chất thải và tăng lượng mồ hôi tiết ra. Thông qua mồ hôi, muối hoặc độc tố dư thừa trong cơ thể sẽ được loại bỏ đồng thời giúp làm sạch tế bào da.
Uống nước ấm trước khi đi ngủ sẽ giúp giữ đủ nước trong suốt đêm.
- Giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể: Nếu đang ở trong một môi trường ngủ quá nóng thì việc làm mát cơ thể bằng việc uống một chút nước có thể có lợi.
- Cải thiện tâm trạng: Theo Healthline, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, uống không đủ nước có thể ảnh hưởng tới tâm trạng, từ đó ảnh hưởng tới chu kỳ ngủ - thức; giảm nguy cơ đau đầu do mất nước khi thức dậy.
- Bù nước khi bị cảm lạnh, cúm: Nếu bị cảm lạnh hoặc cúm, một cốc nước ấm nóng trước khi đi ngủ có thể giúp giảm các triệu chứng như khô đau họng; nghẹt mũi phải thở bằng miệng khiến cơ thể dễ mất nước hơn.
Mặc dù uống nước trước khi đi ngủ có thể đem tới một số lợi ích nhất định nhưng do uống nước trước khi đi ngủ có thể gây rối loạn giấc ngủ dẫn tới thức dậy thường xuyên hơn để đi tiểu nên nếu cảm thấy khát nước trước khi đi ngủ, hãy uống một lượng nhỏ nước. Nếu không, hãy ngừng uống nước hai giờ trước khi đi ngủ.
Lý tưởng nhất là uống đủ nước trong suốt cả ngày để không cần phải uống quá nhiều nước trước giờ đi ngủ bằng cách uống nước trong mỗi bữa ăn, uống đủ nước trước và sau khi tập thể dục, tăng lượng trái cây và rau củ, uống nước khi đói, ... Các triệu chứng mất nước có thể bao gồm: Khát nước, khô miệng hoặc da, nước tiểu sẫm màu và có mùi nồng,...
Uống bao nhiêu nước mỗi ngày là đủ? Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) thường khuyến nghị nên uống 8 ly với thể tích 8 ounce/ly, tương đương với khoảng 2 lít mỗi ngày. Lượng nước uống sẽ thay đổi tùy thuộc vào giới tính, cân nặng, sức khỏe, tuổi tác và mức độ hoạt động thể chất trong ngày.
Cân nhắc tránh các loại thực phẩm quá mặn, quá ngọt hoặc quá cay vào bữa tối có thể khiến cảm giác khát nước tăng lên. Khi đi ngủ, chú ý giữ phòng ngủ mát mẻ để tránh đổ mồ hôi quá nhiều dẫn tới mất nước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn