Sau hơn 3 tiếng nằm ở phòng hồi sức, chị Ngọc Anh mới được chuyển về phòng sau sinh với con trai - bé Phạm Bảo Lâm nên hồi hộp lắm. Thế nhưng, về đến cửa phòng, mới chỉ kịp ngó con một cái thì con lại bị chuyển xuống khoa sơ sinh. Bé phải nằm lồng kính, cách li người nhà do bị nhiễm khuẩn đường ruột.
Nguyên nhân là do, trong khi chồng và mẹ đẻ tới phòng hậu phẫu đón chị Ngọc Anh về phòng sau sinh thì con trai chị đói khóc đòi ăn, người nhà thấy vậy bèn lấy bình sữa uống còn thừa ở trên bàn cho cháu ti. Ngay lập tức, con chị người tím tái, phải đi cấp cứu.
Vì mới sinh mổ nên cơ thể còn yếu, chưa thể đi lại được nhiều, mẹ một nơi, con một nơi, cách nhau mấy tầng mấy tòa nhà, chị Ngọc Anh xót xa nằm khóc thương con vì không được bế con, phải hút sữa ra cho con bú bình.
Sang ngày thứ 4, con chị được chuyển ra phòng thường theo dõi, chị được vào thăm con. Nhìn con nằm đó nhỏ xíu, tay cắm ống kim truyền kháng sinh, chị không kìm lòng được. Ngày thứ 6, cậu bé được chuyển về phòng sau sinh với mẹ. Nhìn con yêu bú no sữa, ngủ ngon trong vòng tay mẹ, chị Ngọc Anh hạnh phúc vì con đã trải qua những ngày nguy hiểm.
Bác sĩ Vũ Hồng Tuấn - Trưởng Khoa khám bệnh theo yêu cầu, bệnh viện Đa khoa Phúc Yên, Vĩnh Phúc - cho biết: Hệ tiêu hóa của trẻ, nhất là trẻ sơ sinh còn non yếu, kháng thể chưa được phát triển toàn diện nên đã trở thành môi trường lý tưởng cho sự xâm nhập của các vi khuẩn, virus gây tổn thương và nhiễm khuẩn. Hai thủ phạm chính gây nên căn bệnh này là những vi khuẩn dạng campylobacter và vi khuẩn Escherichia coli (E. coli).
Các vi khuẩn, virus gây bệnh xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh thông qua con đường ăn uống, tiếp xúc với những đồ vật không vệ sinh, chứa vi khuẩn, gia cầm, gia súc. Chúng tấn công vào ruột, sinh sôi phát triển sản xuất ra các chất độc gây hại cho cơ thể trẻ.
Các biến chứng của bệnh nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ gồm đau cơ bắp, sốt cao, không có khả năng kiểm soát chuyển động ruột. Một số vi khuẩn còn có thể gây ảnh hưởng tới thận, thiếu máu và làm chảy máu trong đường ruột. Nghiêm trọng hơn, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tổn thương tới não và dẫn tới tử vong.
Để phòng tránh nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh, cần chú ý:
- Rửa tay kỹ trước khi tiếp xúc với trẻ.
- Không cho trẻ tiếp xúc với gia cầm, gia súc bị bệnh. Chất thải của gia súc, gia cầm…cần xử lý và cách ly an toàn khỏi nơi sinh sống, tránh để virus gây bệnh từ môi trường bên ngoài tấn công trẻ.
- Trước và sau khi cho trẻ bú, mẹ cần rửa sạch tay, dùng khăn mềm và nước ấm để vệ sinh vú.
- Quần áo, gối đầu, khăn sữa, bình sữa, các dụng cụ pha sữa của trẻ cần được giặt, rửa, khử trùng sạch sẽ.
- Dù là sữa công thức hay sữa mẹ được vắt ra cho vào bình thì nên đổ đi sau 1 tiếng đồng hồ vì sữa còn thừa trong bình có thể bị hỏng do những vi khuẩn có hại từ không khí hay ngay trong nước bọt của trẻ phát triển, sinh sôi mạnh trong môi trường sữa ấm và sẽ nhân lên gấp bội sau 1 tiếng đồng hồ, gây nguy hiểm cho trẻ khi uống phải.