Uống thuốc nam trị vảy nến, bệnh nhân bị suy thận

10:12 | 19/10/2017;
Phát hiện bị bệnh vảy nến, thay vì điều trị theo phác đồ của bác sĩ, bệnh nhân về uống thuốc nam của thầy lang. Sau nửa tháng, bệnh nhân phải đi cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân được xác định bị suy thận.
Chiều ngày 18/10, bác sĩ Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc BV Da liễu TƯ cho biết, BV đang điều trị cho bệnh nhân N.C.C (45 tuổi, ở Hà Nội) bị vảy nến kèm biến chứng suy thận do điều trị sai cách. Cụ thể, bệnh nhân C. đã dùng thuốc nam để điều trị bệnh vảy nến thay vì nghe theo lời khuyên của bác sĩ.

Bệnh nhân C. cho biết, trước đó trên cơ thể phát hiện có các sẩn hoặc mảng sẩn màu đỏ tươi hoặc đậm, ranh giới rõ, trên có vảy da màu trắng bạc. Các vảy này bong ra dễ dàng thành từng lá vảy da màu trắng bạc. Khi cạo nhẹ vảy bong ra để lại ở dưới những đốm máu nhỏ. Nghi mình bị bệnh, bệnh nhân đến BV Da liễu TƯ thăm khám. Tại đây, bác sĩ xác định bệnh nhân bị bệnh vảy nến. Các bác sĩ cũng đã tư vấn cho bệnh nhân cách điều trị căn bệnh này.

Về nhà, bệnh nhân gặp một thầy lang cho biết có thể chữa được bệnh vảy nến chỉ bằng vài thang thuốc. Tin theo, bệnh nhân đã mua thuốc nam về sắc uống. Theo hướng dẫn, bệnh nhân uống 6 thìa thuốc sắc/ngày. Sau nửa tháng uống thuốc, bệnh nhân bị nhiễm trùng, toàn thân chảy mủ phải đến BV Da liễu TƯ cấp cứu. Trong 1 tháng sau đó, da tay da chân bong như bóng bì. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân còn được phát hiện bị suy thận, hiện vẫn chạy thận tuần 3 lần
20171018_162425.jpg
PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc BV Da liễu TƯ

Theo bác sĩ Doanh, bệnh vảy nến  là bệnh ngoài da phổ biến thường xuất hiện ở đầu gối, chân, lưng và nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Vảy nến không phải là bệnh lý ác tính nhưng khó có thể điều trị hoàn toàn. Nguyên nhân chính xác của vảy nến đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng yếu tố di truyền và rối loạn hệ miễn dịch, nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến. Các stress tâm lý, sử dụng thuốc corticosteroid, lithium, các thuốc chống sốt rét, interferon... có thể làm nặng bệnh. Rượu cũng là tác nhân làm cho bệnh nặng lên.

Khi bị vảy nến, bệnh nhân có các biểu hiện các sẩn hoặc mảng sẩn màu đỏ tươi hoặc đậm, ranh giới rõ, trên có vảy da màu trắng bạc. Các vảy này bong ra dễ dàng thành từng lá vảy da màu trắng bạc. Khi cạo nhẹ vảy bong ra để lại ở dưới những đốm máu nhỏ. Các thương tổn có thể có ở toàn thân nhưng có một số vị trí rất hay gặp là đầu, ngón tay, bàn tay-bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, ụ ngồi, mông và cẳng chân.

Cũng theo bác sĩ Doanh, vảy nến là một bệnh mạn tính, diễn biến bệnh lâu dài, có thể khỏi một thời gian dài nhưng cũng có nhiều trường hợp tái phát liên tục. Việc điều trị cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh để có thể tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất, hiệu quả, ít tác dụng phụ.
20171018_154309.jpg
BV Da liễu TƯ chia sẻ thông tin về bệnh vảy nến

Tuy nhiên, nhiều người không tin theo bác sĩ mà tin theo các thầy lang. Theo đó, họ lấy các bài thuốc nam về sắc uống. Nhiều bệnh nhân khi thấy da bị ửng đỏ tróc vảy đã không kiên nhẫn bôi thuốc chữa bệnh để làm các lớp vảy mềm đi mà lại dùng dao, kéo hoặc tay tự bóc vảy khiến cho người bệnh thêm đau đớn và khó chịu hơn.

Ngoài ra, một số bệnh nhân khi vảy nến tái phát đã tự đi mua thuốc điều trị mà không cần biết bệnh của mình nặng hay nhẹ. Thói quen tự dùng thuốc như vậy rất nguy hiểm, nhất là các thuốc có corticoid. Khi dùng liều cao, bệnh thuyên giảm nhanh chóng nhưng khi tái phát sẽ bị nặng hơn và lan tràn khắp toàn thân, có khi chuyển sang thể khác như vẩy nến thể mủ.

“Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến như bôi thuốc, dùng thuốc toàn thân đã có thể khống chế được bệnh. Vì vậy, người dân nên đến cơ sở chuyên khoa về da liễu có uy tín để khám, điều trị chứ không nên nghe theo những lời chỉ bảo mang tính chất tâm linh hay những phương pháp điều trị được gọi là theo dân gian, một số thuốc tự chế do những người không có hiểu biết về ngành y, không có kiến thức chuyên khoa”, bác sĩ Doanh nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn