Ưu tiên chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân lao động

10:02 | 29/10/2020;
Chăm sóc sức khỏe sinh sản là vấn đề ưu tiên trong chiến lược sức khỏe sinh sản nói chung và được xã hội quan tâm. Nhưng đối với nhiều nữ công nhân, chuyện chủ động đi khám phụ khoa định kỳ, chăm sóc sức khỏe sinh sản là điều không dễ dàng.

Chị Hoàng Thị Uyên là công nhân một công ty may tại Hà Nội và có 3 người con. Nói về chuyện sinh con, chị Uyên cho biết khi cháu thứ 2 mới được hơn một tuổi thì anh chị đã bị vỡ kế hoạch nên có bầu cháu thứ 3.

Lý do bị "vỡ kế hoạch" được chị Uyên phân trần là do công việc quá bận rộn, không có điều kiện và thời gian tìm hiểu về các biện pháp tránh thai. Ngoài ra, do tâm lý ngại ngùng khi cần sự tư vấn, vợ chồng chị dùng các biện pháp tránh thai không an toàn nên mới sinh con ngoài kế hoạch.

Gia đình đông con, kinh tế lại không mấy khá giả nên chị Uyên không có thời gian để chăm sóc sức khỏe cho bản thân, đặc biệt là sức khỏe sinh sản (SKSS). Chị chia sẻ rằng bản thân  rất ngại nếu phải đi khám phụ khoa vì mất thời gian di chuyển và chờ đợi. Hơn thế, mỗi lần đi khám, chị phải nghỉ làm, ảnh hưởng đến thu nhập.

Cũng như chị Uyên, chị Phạm Thị Thương là công nhân và kinh tế không mấy khá giả, chị có 2 con nhỏ đang 4 tuổi và 2 tuổi. Việc "đẻ mau" khiến chị khó xoay xở với công việc và kinh tế gia đình. Chị Hương cho biết, "vỡ kế hoạch" là do chị tránh thai bằng biện pháp cho con bú. Chị Thương cho rằng dù rất lo sợ có thai ngoài ý muốn lần nữa nhưng chị chưa bao giờ đi khám để được tư vấn các biện pháp tránh thai ở các phòng khám bên ngoài. Thực tế thì chị cũng không yên tâm với giá cả, chất lượng của các phòng khám này.

Chị Trần Thị Thiệp là nữ công nhân đã làm việc tại Nhà máy Pou Yuen (TP.HCM) được 14 năm. Vợ chồng chị đều là công nhân nhà máy và đã có hai con, 12 và 6 tuổi. Sau khi sinh bé thứ hai, chị Thiệp muốn tìm một phương pháp tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn. 

Khám sức khỏe định kỳ cho nữ công nhân. Ảnh minh họa: ST

Khám sức khỏe định kỳ cho nữ công nhân. Ảnh minh họa

Chị Thiệp chia sẻ: "Tôi đã từng đến một hiệu thuốc gần nhà để mua thuốc tránh thai vì tôi nghe một số bạn bè đã sử dụng và đều thấy không có vấn đề gì. Nhưng khi tôi bắt đầu sử dụng thuốc, hầu như tháng nào tôi cũng bị đau bụng kinh dữ dội. Có khi đau đớn đến mức không thể đi làm".

Đại diện một công ty may lớn tại Việt Nam cho biết, công ty có 90% người lao động là nữ, với khoảng 2.800 người. Trong một chương trình khám SKSS, có gần 2.500 nữ công nhân đến khám, các bác sĩ đã phát hiện hàng chục nữ công nhân mắc u xơ tuyến vú. Một số công nhân đang mang thai hoặc cho con bú được phát hiện bị áp xe vú. Điều đáng lo ngại là đa số nữ công nhân không muốn khám phụ khoa để chuẩn bị cho sinh nở an toàn trước khi bác sĩ tư vấn và thuyết phục.

"Đây là năm thứ 4 công ty phối hợp với Blue Star – Ngôi Sao Xanh tổ chức chương trình khám lưu động. Sau khi được tư vấn, khoảng 80% chị em đã tự nguyện yêu cầu khám phụ khoa và khám vú để chuẩn bị cho kỳ sinh nở an toàn. Chị em cũng chủ động tìm hiểu thông tin về biện pháp kế hoạch hóa gia đình bằng cấy que tránh thai. Đặc biệt, với những chị em được cung cấp que cấy tránh thai, thuốc tránh thai, đặt vòng… họ rất mừng vì từ nay không còn sợ mang thai ngoài ý muốn lần nữa, giúp họ tập trung làm việc hiệu quả hơn và có sức khỏe để chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái" – đại diện công ty may cho biết.

Theo một cuộc khảo sát của Marie Stopes Việt Nam, 20% số ca mang thai của các nữ công nhân ở nhiều nhà máy là ngoài ý muốn và có khoảng 40% lao động nữ nghỉ việc sau khi sinh. Vì vậy, chăm sóc SKSS là một trong những ưu tiên hàng đầu dành cho lao động nữ. Thông qua dịch vụ tư vấn về các biện pháp tránh thai phù hợp cho các nữ công nhân và tạo cơ hội cho họ tự lựa chọn một biện pháp mình mong muốn đã không chỉ giúp cải thiện SKSS cho nữ công nhân, mà còn hỗ trợ cải thiện kinh tế và giúp họ kiểm soát cuộc sống của bản thân cũng như chăm sóc cho gia đình dễ dàng hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn