Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. ĐB Bùi Văn Nghiêm (Vĩnh Long) nhận định, giai đoạn tới do ảnh hưởng của Covidd-19, việc tái cơ cầu kinh tế của đất nước cần đổi mới mạnh mẽ triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, cần ưu tiên triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp. Mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động có việc làm gắn với tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.
"Cùng với đó là cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như các yêu cầu về lao động. Giúp cho các doanh nghiệp và người lao động thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc làm và giảm thu nhập, tạo động lực thúc đẩy cho phát triển kinh tế" – ĐB Nghiêm đề xuất.
Còn theo ĐB Đinh Ngọc Quý (Gia Lai), qua bài học đại dịch vừa qua, cần thiết đưa ra những vấn đề gì, rút kinh nghiệm những vấn đề gì để bổ sung vào kế hoạch nhằm định hướng thị trường lao động chủ động hơn, ứng phó với những tác động khác của thị trường trong tương lai, chứ không chỉ là dịch bệnh.
Theo đại biểu, phát triển thị trường lao động, cơ cấu lại thị trường lao động cần phải được chú ý hơn, không chỉ trên những chỉ số mục tiêu khái quát mà còn phải có những thay đổi về chất thực sự để khắc phục được những hạn chế hiện nay của thị trường lao động.
Cụ thể như hiệu suất về sử dụng lao động giai đoạn vừa qua có cải thiện nhưng không nhiều. Năng suất lao động có tốc độ tăng, đạt kế hoạch nhưng giá trị tuyệt đối không cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2021 hiện nay chúng ta đã đạt khoảng 67% nhưng tỷ lệ đào tạo sơ cấp chiếm tỷ trọng cao. Tỷ lệ đào tạo có bằng cấp chứng chỉ ở mức khoảng độ 26,1% cho đến thời điểm này.
Tuy nhiên, nếu trừ đi trình độ đại học ra thì các trình độ khác như sơ cấp, cao đẳng, trung cấp đều ở mức dưới 5% và tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức còn cao, theo ĐB này. Và đây là khu vực được đánh giá yếu nhất về kỹ năng nghề. "Chúng ta cũng nhận thức rõ và coi kinh tế số là một trong những động lực tăng trưởng trong các thập kỷ tới, nhưng kỹ năng số trong lao động hiện tại của chúng ta đang xếp ở cuối bảng của khu vực" – ĐB nhìn nhận.
ĐB Quý đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm đầu tư hơn, chú trọng hơn đến các biện pháp cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu phản ánh được cơ cấu lại thị trường lao động về chất lượng, tận dụng những năm còn lại của cơ hội dân số vàng chỉ đến với mỗi quốc gia có một lần.
Còn theo ĐB Trần Văn Sáu (Đồng Tháp), nghĩ về dòng người cuồn cuộn trốn chạy về quê trong đại dịch phải chăng do cơ cấu kinh tế còn bất cập, phát triển đô thị tập trung, thiếu liên kết và sự trục trặc trong kết nối giữa nông thôn và đô thị, chất lượng đào tạo và phân bổ nguồn nhân lực chưa hợp lý. Dòng người đó phần lớn là nông dân rút khỏi lao động nông nghiệp để làm công nhân, là lao động tự do, thiếu việc làm, tha phương cầu thực.
"Tôi đề nghị Chính phủ cần có đánh giá đúng, đầy đủ về thị trường lao động, có chính sách đầu tư hợp lý để phát triển kinh tế vùng, thu hút lao động, giải quyết việc làm, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, dạy nghề phù hợp để tạo cơ hội việc làm cho người lao động, nhất là nông dân, lực lượng dễ bị tổn thương trong điều kiện kinh tế thị trường. Tất nhiên, lao động, việc làm không thể chia đều theo vùng miền nhưng phải hợp lý, hạn chế tình trạng di dân ồ ạt"- ĐB Sáu cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn