"Hiệp ước xanh" với ngân sách trị giá 1.000 tỷ euro
Các lãnh đạo mới của Liên minh châu Âu (EU) bao gồm Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đã đánh dấu ngày đầu tiên trên cương vị mới bằng việc cùng nhau hiện diện trong lễ kỷ niệm 10 năm ra đời Hiệp ước Lisbon, vốn được coi là nền tảng cho việc xây dựng Liên minh châu Âu. Các lãnh đạo mới của EU đều nhận định, đây là thời điểm mà EU cần siết chặt sự đoàn kết và hướng đến một giai đoạn phát triển mới cần sự đổi mới mạnh mẽ nếu châu lục này không muốn bị tụt hậu. Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli nhận định, việc cần nhất bây giờ là phải hành để cải thiện đời sống của người dân châu Âu, từ việc đấu tranh chống biến đổi khí hậu đến việc đấu tranh chống lại việc đời sống người dân ngày càng đắt đỏ.
Tân Chủ tịch EC cam kết EU sẽ đi đầu trong bảo vệ khí hậu, điều tối quan trọng đối với hành tinh và công dân châu Âu cũng như toàn thế giới, cũng là động lực mới trong chiến lược tăng trưởng của EU. Trong những ngày đầu tiên ở cương vị mới, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định mục tiêu biến châu Âu thành châu lục trung hòa về khí hậu vào năm 2050, tức là có biện pháp cắt giảm C02 như trồng rừng. Khẳng định cam kết này, bà đã có mặt tại Madrid từ ngày 2/12 để dự hội nghị COP25. Theo dự kiến, đến ngày 11/12, bà Ursula von der Leyen cũng sẽ cho công bố "Hiệp ước Xanh", trong đó đề ra một loạt các biện pháp mới nhằm thực hiện mục tiêu đầy tham vọng là cắt giảm 50% lượng phát thải khí cacbon tại châu Âu vào năm 2030 và đến năm 2050, biến châu Âu thành châu lục hoàn toàn không có khí thải cacbon. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý quá trình chuyển đổi sẽ "bền vững," một thông điệp trấn an chủ yếu nhắm tới các quốc gia Đông Âu vốn vẫn phụ thuộc vào than đá và có dân số ít, những người đang rất lo sợ phải tăng gánh nặng hóa đơn thanh toán năng lượng của mình.
Khẩu hiệu "Một châu Âu xanh" được xem như là sự khởi đầu mới của EU và cũng là bước tạo động lực trước một chặng đường còn nhiều chông gai để hồi sinh sức mạnh và vị thế của EU. Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans, chịu trách nhiệm điều phối "Hiệp ước xanh", sẽ phải trình bày được một kế hoạch chi tiết trong vòng 100 ngày đầu nhậm chức.Dự kiến EU sẽ xây dựng một ngân sách trị giá 1.000 tỷ euro trong 10 năm để đầu tư vào quá trình chuyển đổi sinh thái. Cùng với đó, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sẽ được chuyển đổi thành "ngân hàng khí hậu". Tuy nhiên, thách thức nằm trong chính các chi tiết của kế hoạch đầy tham vọng này với nguy cơ vấp phải sự phản đối từ nhiều phía: Thuế phát thải và việc áp dụng thuế biên giới đối với hàng nhập khẩu có chứa carbon sẽ đi ngược lại quy tắc về thuế đã được các quốc gia thành viên nhất trí. Các ngành công nghiệp cũng đặc biệt lưu tâm tới bất cứ điều gì có nguy cơ đe dọa tính cạnh tranh. Công dân, dù là bên được hưởng lợi, cũng sẽ có ý kiến phản đối nếu các biện pháp được áp dụng ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại, hoặc thậm chí đe dọa tới việc làm trong một số lĩnh vực nhất định.
Bức thiết hơn khi COP25 khó có đột phá mới
Thư ký Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Patricia Espinosa cho hay, hội nghị COP25 kéo dài 2 tuần diễn ra trong bối cảnh thế giới vẫn đang phải gồng mình chống chọi và khắc phục hậu quả ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Nắng nóng bất thường tại châu Âu, những vụ cháy rừng chưa có tiền lệ xảy ra từ Nam Mỹ cho tới Australia, những trận lũ lụt lịch sử ở nhiều nước... Một loạt các báo cáo của các cơ quan khí tượng gần đây cho thấy hậu quả của biến đổi khí hậu, không chỉ đơn thuần là một vấn đề dài hạn mà là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó nếu tiếp tục chậm trễ, con người sẽ không còn điểm quay đầu.
COP25 có chủ đề "Thời gian cho Hành động" nhằm kêu gọi các quốc gia cam kết tham vọng hơn và hành động mạnh mẽ trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu đang rất nguy cấp. COP 25 sẽ tập trung chủ yếu vào việc hoàn tất bộ quy tắc triển khai Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, để hiệp định này có thể được thực hiện từ năm 2021. Mục tiêu của Hiệp định Paris, được 197 quốc gia ký kết và 185 nước thông qua, là duy trì mức tăng nhiệt độ Trái Đất không vượt ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ra, thỏa thuận cũng đặt mục tiêu các nước giàu đóng góp khoản ngân quỹ 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng tái sinh ít phát thải hơn. Dự báo từ nay đến năm 2030, các nước bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu có thể cần tới 300 tỷ USD để khắc phục thiệt hại do thiên tai. Nghị viện châu Âu mới đây tuyên bố 'tình trạng khẩn cấp toàn cầu về khí hậu và môi trường' trong khi kêu gọi tất cả các nước EU cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050. Việc châu Âu là lục địa đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và môi trường là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến công dân châu Âu và phần còn lại của thế giới.
Sự kiện năm nay có được một nền tảng cổ vũ vững chắc từ sự gia tăng làn sóng kêu gọi bảo vệ môi trường và khí hậu thông qua các phong trào như Extinciton Rebellion tại Anh, phong trào Thứ Sáu vì tương lai do nhà hoạt động trẻ tuổi Greta Thunberg khởi xướng; những cam kết vững chắc từ châu Âu quyết đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Kỳ vọng là rất lớn nhưng rõ ràng cơ hội để đạt được bước đột phá tại hội nghị này là không nhiều. Tính đến thời điểm hiện nay chỉ có tổng cộng 71 nước, hầu hết là các nước có lượng khí thải thấp, cam kết đưa mức phát thải về bằng 0 vào năm 2050. Các nước lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ khó có khả năng đưa ra các mục tiêu lớn hơn tại hội nghị, với khẳng định rằng họ đang làm nhiều hơn những gì được yêu cầu. Ngoài ra vẫn có sự tranh cãi giữa các nước giàu và phát triển trong các khoản đóng góp và hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guteres kêu gọi các nước cần phải có ý nguyện chính trị hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu. Ông Guteres kỳ vọng COP25 sẽ thể hiện rõ ràng cam kết mạnh mẽ hơn, sự dẫn dắt và tinh thần trách nhiệm cao hơn. Ông kêu gọi các nước tham gia hội nghị thể hiện chính sách cụ thể: Tăng mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn