Nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư (3/11) trên tạp chí The Lancet, do Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh tài trợ ước tính vào giữa năm 2019, có ít hơn 450 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung và 17.200 trường hợp tiền ung thư so với dự kiến trong số những người được tiêm chủng.
Theo đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Kings College London và chính phủ Anh đã xem xét dữ liệu đối với hàng chục nghìn phụ nữ trong độ tuổi 20-64 từng tầm soát ung thư cổ tử cung ở Anh trong giai đoạn từ tháng 1/2006 đến tháng 6/2019 cho bảy nhóm phụ nữ, so sánh những người đã được tiêm phòng với những người không được tiêm phòng.
Nghiên cứu xem xét dữ liệu về vaccine Cervarix - vaccine bảo vệ chống lại hai chủng virus u nhú ở người và HPV. Ngoài ra, loại vaccine mới hơn của hãng Gardasil cho thấy mức bảo vệ chống lại nhiều chủng virus gây ung thư hơn.
Trong ba nhóm người được tiêm vaccine thuộc các độ tuổi 12-13 tuổi, 14-16 tuổi và 16-18 tuổi, nhóm nghiên cứu báo cáo rằng những người được tiêm chủng ở độ tuổi nhỏ nhất được bảo vệ tốt nhất với nguy cơ tiền ung thư cổ tử cung giảm 87%. Trong khi đó, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở những người được tiêm phòng trong độ tuổi 14-16 giảm 62%, độ tuổi 16-18 giảm 24% so với những người chưa tiêm phòng.
"Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng trực tiếp đầu tiên về tác động của chiến dịch tiêm phòng HPV ở Vương quốc Anh đối với tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung, cho thấy tỷ lệ ung thư cổ tử cung trong các nhóm được tiêm chủng đã giảm đáng kể", đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Kate Soldan từ Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho biết.
Tiến sĩ Kate lưu ý thêm: "Điều này thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc phòng chống ung thư cổ tử cung. Chúng tôi hy vọng rằng những kết quả mới này sẽ khuyến khích việc tiếp nhận vì sự thành công của chương trình tiêm chủng không chỉ dựa vào hiệu quả của vaccine mà còn cả tỷ lệ dân số được tiêm chủng".
Ung thư cổ tử cung hiếm gặp ở phụ nữ trẻ, vì vậy vẫn còn quá sớm để xác định tác động đầy đủ miễn dịch của vaccine HPV đối với tỷ lệ ung thư cổ tử cung nói chung. Vương quốc Anh cũng đã ngừng sử dụng vaccine HPV trong nghiên cứu này vào năm 2012. Hiện tại, thay vì sử dụng vaccine Cervarix, Anh sử dụng vaccine Gardasil để thay thế.
Năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động "Global Strategy to Accelerate the Elimination of Cervical Cancer" (Tạm dịch: Chiến lược Toàn cầu để Đẩy nhanh Loại bỏ Ung thư cổ tử cung), cam kết đầu tiên trên phạm vi toàn thế giới nhằm loại bỏ ung thư, đặt mục tiêu 90% trẻ em gái được tiêm phòng HPV đầy đủ vào năm 15 tuổi.
Vào tháng 1, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ cũng đã phát động chiến dịch tăng tỷ lệ tiêm phòng HPV. Chiến dịch nhắm mục tiêu cụ thể đến các bang có tỷ lệ tiêm chủng HPV thấp nhất, bao gồm Nam Carolina, Texas và Mississippi.
Vào năm 2021, Học viện Nhi khoa Mỹ phát hiện ra rằng tỷ lệ tiêm phòng HPV đang ngày càng khả quan hơn, nhưng chưa đến một nửa số thanh niên ở Mỹ đã được tiêm một hoặc nhiều liều và tỷ lệ tiêm phòng HPV vẫn chưa bắt kịp với các tỷ lệ vaccine khác. CDC bắt đầu khuyến nghị tiêm vaccine HPV cho các bé gái 11-12 tuổi vào năm 2006. Một báo cáo năm 2021 của CDC cho thấy tỷ lệ ung thư cổ tử cung ở Mỹ đã giảm đáng kể nhờ vaccine HPV.
HPV là loại virus lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất ở Mỹ. Mặc dù virus có thể tự đào thải nhưng nhiễm HPV dai dẳng khiến phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng và ung thư trực tràng. HPV cũng khiến nam giới tăng nguy cơ ung thư hậu môn, dương vật và ung thư vòm họng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn