Với công bố này, Moderna trở thành hãng dược phẩm thứ hai của Hoa Kỳ cho kết quả vượt xa dự báo, cùng với vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer, loại vaccine cũng đạt hiệu quả hơn 90%. Như vậy Hoa Kỳ có thể có hai loại vaccine ngừa Covid-19 để sử dụng cho trường hợp khẩn cấp trong tháng 12/2020.
Một lợi thế của vaccine ngừa Covid-19 do Moderna chế tạo là loại vaccine này không cần chế độ lưu trữ ở nhiệt độ siêu lạnh như vaccine của Pfizer, nên dễ phân phối hơn. Moderna dự kiến loại vaccine của hãng ổn định ở nhiệt độ của tủ lạnh thông thường là từ 2-8 độ C trong thời gian 30 ngày và có thể trữ 6 tháng ở nhiệt độ âm 20 độ C.
Trong khi đó, vaccine của Pfizer phải được vận chuyển và lưu trữ ở điều kiện nhiệt độ âm 70 độ C, tương tự như nhiệt độ ở mùa đông Nam Cực. Vaccine của Pfizer có thể trữ tối đa 5 ngày trong nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn hoặc tối đa 15 ngày trong một hộp vận chuyển giữ nhiệt.
Moderna dự kiến sản xuất khoảng 20 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho Mỹ trong năm 2020, trong đó hàng triệu liều đã được sản xuất và sẵn sàng được đưa vào sử dụng ngay khi được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chính thức cấp phép.
Ông Stephen Hoge, Chủ tịch hãng Moderna, cho biết: "Vaccine của chúng tôi có thể ngăn chặn Covid-19. Nếu được cấp phép, chúng tôi sẵn sàng giao hàng trong vài giờ. Như vậy, vaccine có thể được phân phối ngay lập tức".
Thử nghiệm giai đoạn ba của Moderna được tiến hành trên 30.000 tình nguyện viên. Hai mũi tiêm cách nhau 28 ngày. Sau thời gian tiêm chủng, 95 người đã nhiễm nCoV. Trong số đó, chỉ 5 trường hợp tiêm vaccine, còn lại dùng giả dược.
Hầu hết tác dụng phụ của vaccine Moderna là từ nhẹ đến trung bình. Song nhiều tình nguyện viên cũng gặp triệu chứng dữ dội hơn sau khi tiêm mũi thứ hai. 10% bị mệt mỏi nghiêm trọng, không thể sinh hoạt bình thường. 9% khác bị đau cơ. Đại diện Moderna cho biết tình trạng này không kéo dài. Giáo sư Peter Openshaw của trường Cao đẳng Hoàng gia London giải thích: "Đây là các phản ứng dễ đoán đối với một loại vaccine hiệu quả và tạo ra miễn dịch tốt".
Tính đến nay, toàn thế giới có hơn 100 loại vaccine đang được phát triển. 12 "ứng viên" đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, thuộc về các quốc gia: Mỹ, Đức, Trung Quốc, Anh, Nga và Ấn Độ.
Tháng 8 vừa qua, Nga đã chấp thuận khẩn cấp vaccine Sputnik V trước khi hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3. Ngày 12/11, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết Sputnik V đạt hiệu quả 90%, tuy nhiên sau đó, tổ chức này lại thông báo là hiệu quả đạt 92%.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn