Chị Hoàng Thị D. (ở Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: "Tôi bị u nang, đã chạy chữa nhiều nơi. Tôi thấy quảng cáo loại thuốc Giáp Mộc An nên mua 2 lọ, mất 600 nghìn đồng. Uống được mấy ngày, tôi cứ thấy nóng bụng và táo bón, sợ quá, tôi không dám dùng nữa, coi như mình dại, bị mắc lừa".
Chị Lê Thị H. (ở Phú Thọ) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chị H. đã bỏ ra số tiền hơn 1 triệu đồng để mua 2 lọ thuốc được quảng cáo "chữa bệnh u tuyến giáp" trên mạng xã hội.
"Tôi bị u tuyến giáp. Qua mạng xã hội Facebook, tôi thấy họ quảng cáo chỉ dùng thuốc Giáp Mộc An nay có thể khỏi bệnh dứt điểm. Tâm lý suy nghĩ "có bệnh thì vái tứ phương" nên tôi đã đặt mua qua số điện thoại ở clip quảng cáo của thầy thuốc Triệu Nghiệp.
Lúc nhận thuốc mình cũng không nghi ngờ gì, thanh toán xong, mấy hôm sau mở ra uống mới thấy nghi nghi, vì thấy nó thô quá. Sau đó, tôi lên mạng tìm hiểu lại thì biết là mình bị lừa, vì thuốc này chẳng có thông tin gì rõ ràng. Vào trang website của Bộ Y tế cũng không thấy có thông tin nên tôi không dám dùng. Tôi gọi điện thoại cho số đã liên hệ mua thì họ chặn số, đành chịu mất tiền", chị H. nói.
Từ các thông tin mà những trường hợp nêu trên cung cấp, phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã tìm hiểu. Trên các nền tảng mạng xã hội nhan nhản thông tin hình ảnh, clip quảng cáo các loại thuốc Đông y Giáp Mộc An như trên.
Có một điểm chung của các clip này là luôn nhấn mạnh "sẽ chữa khỏi dứt điểm các loại bệnh u nang, u xơ, u tử cung, u tuyến giáp", thậm chí là có thể "khỏi ngay sau một liệu trình", hoặc cam kết "không khỏi sẽ hoàn lại tiền".
Clip quảng cáo bài thuốc Giáp Mộc An được dàn dựng gắn với hình ảnh ông Triệu Nghiệp. Trong clip trên mạng xã hội Facebook, ông Nghiệp khẳng định Giáp Mộc An là thuốc, không phải thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Vị này cũng cam kết "sẽ chữa khỏi các loại bệnh u nang, u xơ, u tử cung, u tuyến giáp… ngay sau một đến hai liệu trình".
Còn ở một clip khác xuất hiện một nhân vật nữ. Người này tự xưng đang công tác trong ngành giáo dục huyện Thanh Oai, Hà Nội, đã khỏi bệnh u tuyến giáp nhờ bài thuốc Giáp Mộc An của ông Triệu Nghiệp.
Clip: Người phụ nữ tự xưng đang công tác trong ngành giáo dục huyện Thanh Oai, Hà Nội, đã khỏi bệnh u tuyến giáp nhờ bài thuốc Giáp Mộc An của ông Triệu Nghiệp.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, cô này tên thật là Phạm Kiều Ánh, không hề công tác ở ngành giáo dục huyện Thanh Oai như quảng cáo. Sự thật thì cô này là diễn viên nghiệp dư, chuyên đi diễn quảng cáo thuê, đang sinh hoạt trong một câu lạc bộ Điện ảnh truyền hình ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Mỗi vai diễn quảng cáo như thế này, cô được trả thù lao 500-700 nghìn đồng/lần. Phóng viên đã liên hệ với cô Phạm Kiều Ánh để làm rõ việc diễn quảng cáo sai sự thật, tuy nhiên cô này đã tránh né, bất hợp tác.
Liên hệ vào số điện thoại trên clip quảng cáo thuốc Giáp Mộc An, chúng tôi được một người tự xưng ở phòng khám của thầy Triệu Nghiệp tư vấn. Vị này thao thao bất tuyệt nói về công dụng của thuốc với các loại bệnh u, sau đó "chốt đơn" cho bệnh nhân 5 lọ, với giá 1,5 triệu đồng.
Khi chúng tôi nói muốn lên gặp thầy để thăm khám và mua thuốc thì người này viện lý do "thầy rất bận vì nhiều bệnh nhân, mà có lên thì việc thăm khám cũng như vậy nên bệnh nhân cứ yên tâm ở nhà, thầy sẽ gửi thuốc về cho".
Chỉ bằng những chiêu trò dàn dựng quảng cáo và tư vấn khám chữa bệnh sai sự thật như trên của Giáp Mộc An đã khiến nhiều người bị sập bẫy lừa, tiền mất bệnh mang.
Lần theo dấu vết quảng cáo thuốc Giáp Mộc An, phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã phát hiện ra sự thật về lò sản xuất loại thuốc được quảng cáo như "thần dược" này.
Bài sau: Lò sản xuất "thần dược"… bên cạnh chuồng lợn
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn