Vài chiêu giúp con 'hạ hỏa'

16:29 | 13/04/2016;
Việc con cái sàn sàn tuổi đánh nhau khá phổ biến trong các gia đình, gây không ít khó khăn cho cha mẹ khi tìm cách xử lý.
trecondanhnhau2.jpg
Trẻ con đánh nhau là biểu hiện của tính hiếu động. Ảnh minh họa internet.

Chị Hoàng Hoa (Q.Thủ Đức, TPHCM) rất bối rối trước việc cậu con trai 5 tuổi rưỡi liên tục đánh em gái 4 tuổi. Dù xử lý cậu anh nhiều lần nhưng việc hai con đánh nhau vẫn xảy ra liên tục. Cậu anh thường xuyên cướp đồ của em và sẵn sàng làm em khóc. Có vẻ cậu bé rất vui và thích thú với điều đó.

Chị Phạm Phương Thảo (Kim Mã, Hà Nội) lại rất lo lắng vì cô con gái 3 tuổi thường xuyên đánh, cắn trộm em bé 4 tháng. Mọi người càng can ngăn thì bé càng xông vào đánh em hăng hơn. Chị Thảo rất bực mình, phạt con bằng việc đánh con, nhốt con sang phòng khác nhưng con thường phản ứng bằng việc đánh lại, bất kể đó là bố, mẹ hay em.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc trẻ em đánh nhau xảy ra khá thường xuyên. Đó chỉ là biểu hiện của tính hiếu động, có thể là một phần trong sự phát triển bình thường của trẻ hoặc đôi khi là do sai lệch nào đó về tâm lý. Khi một đứa trẻ đánh người khác, cha mẹ có thể giúp con "hạ hỏa" bằng cách sử dụng các biện pháp dưới đây:

trecondanhnhau1.jpg
Cha mẹ cần tránh tình huống dẫn đến việc trẻ đánh nhau. Ảnh minh họa internet

Dán nhãn hành vi tốt, xấu: Bạn yêu cầu trẻ tham gia vào việc thực hiện các hành vi tốt, xấu. Có thể quy định hành vi tốt là giúp đỡ, chia sẻ, hành vi xấu gồm chọc ghẹo, đánh… Các hành vi này sẽ được bố mẹ và các con thảo luận cùng đi đến thống nhất. Ai có hành vi tốt sẽ được dán nhãn vào “mục tốt”, ai có hành vi xấu sẽ bị dán nhãn vào “mục xấu”. Cuối tuần cả gia đình sẽ tổng kết, ai có nhiều hành vi tốt sẽ được khen thưởng, ai có nhiều hành vi xấu sẽ bị phê bình và phạt.

Thiết lập chính sách phạt khi con đánh nhau: Thông báo với bọn trẻ về chính sách phạt sẽ được áp dụng mỗi khi chúng đánh nhau. Thí dụ như phải làm thêm việc nhà hoặc không được xem tivi trong 1 ngày.

trecondanhnhau6.jpg
Giải quyết "cuộc chiến" của con bằng cách bình tĩnh, tôn trọng con. Ảnh minh họa internet

Giúp trẻ xác định lại mối quan hệ với các anh chị em: Khi một đứa trẻ có những hành động giúp đỡ hoặc yêu thương anh chị em, hãy hào phóng khen ngợi trẻ bởi đứa trẻ nào cũng thích khi được ghi nhận như một anh hùng.

Tránh các tình huống dẫn đến việc trẻ đánh nhau: Nếu một đứa trẻ đánh nhau vì thấy buồn chán và việc làm em gái khóc khiến nó cảm thấy vui thì hãy giao việc để trẻ bận rộn, không còn nghĩ đến chuyện chọc phá em. Còn nếu anh chị em hay tranh nhau điều khiển ti vi, thì cha mẹ hãy giám sát để ngăn cản kịp thời trước khi xung đột xảy ra.

Làm gương cho trẻ: Dùng chính tấm gương của người lớn trong gia đình để hướng dẫn hành vi của trẻ. Mỗi khi có sự cố, cha mẹ hãy giải quyết bằng sự bình tĩnh, tôn trọng thay cho việc dùng “nắm đấm”. Khi trẻ đánh nhau, nếu bị đánh đòn, chẳng khác gì cha mẹ đã gửi cho trẻ thông điệp là có quyền được đánh người khác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn