Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ kính yêu, phụ nữ Việt Nam đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Đảng và Hội LHPN Việt Nam phát động.
Ngay từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) đã có nhiều phong trào thi đua dưới nhiều hình thức phong phú như: “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, “bình dân học vụ”, “hũ gạo kháng chiến”, “chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công, đồng bào ở hậu phương thi đua tăng gia sản xuất”, “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”, “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua” … đã lôi cuốn đồng bào, chiến sỹ cả nước tích cực đóng góp mọi mặt cho cách mạng, trong đó có sự tham gia đông đảo của các tầng lớp phụ nữ trên mọi mặt trận, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ huyền thoại.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào thi đua yêu nước thực phát triển rộng khắp trên mọi lĩnh vực, mặt trận, nhất là từ khi miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng ra đời ngày 26/01/1961 đã nở rộ phong trào thi đua, đóng góp to lớn làm nên thắng lợi vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tháng 3/1961, Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III họp tại Hà Nội đã phát động phong trào thi đua “5 tốt” với các nội dung: Đoàn kết sản xuất, tiết kiệm tốt, chấp hành chính sách tốt, tham gia quản lý tốt, học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật tốt, xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt.
Tiếp đó, vào tháng 3/1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” với nội dung: Đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế nam giới đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu. Sau đó, phong trào được đổi thành “Ba đảm đang” có nội dung là: Đảm đang sản xuất và công tác, thay thế cho chồng, con, anh em đi chiến đấu; Đảm đang việc gia đình cho chồng, con, anh em yên tâm chiến đấu; khuyến khích chồng, con, anh em tòng quân và phục vụ lâu dài trong quân đội; Đảm đang phục vụ chiến đấu, tham gia dân quân tự vệ, tập luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu, phục vụ bộ đội, công an, dân quân tự vệ khi chiến đấu. Phong trào nhanh chóng trở thành tiêu chí phấn đấu của phụ nữ cả nước.
Ở miền Nam, tại Đại hội lần thứ nhất Hội LHPN Giải phóng miền Nam tháng 3/1965, Hội đã phát động phong trào thi đua “5 tốt” với nội dung: Đoàn kết đấu tranh chính trị, võ trang, binh vận tốt; Lao động sản xuất, tiết kiệm tốt; Chăm sóc, nuôi dưỡng thương bệnh binh; Học tập văn hoá, chính trị, chuyên môn tốt; Rèn luyện tư cách đạo đức tốt. Phụ nữ miền Nam đã anh dũng thi đua giết giặc, trong gian nan vẫn một lòng trung kiên, bất khuất.
Đồng thời, cũng trong thời gian này, Hội LHPN giải phóng miền Nam còn phát động phong trào “Xây dựng gia đình vẻ vang” và phong trào “Hội mẹ chiến sỹ” đã thể hiện vai trò to lớn trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng chiến sỹ, thương bệnh binh, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua tòng quân, thi đua giết giặc, lao động sản xuất, xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phụ nữ khắp cả nước đã tích cực tham gia các phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"..., tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm rạng rỡ truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" của phụ nữ Việt Nam.