Vai trò của nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao ở Sa Pa

08:53 | 19/11/2024;
Là người dân tộc Dao đỏ ở xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), ông Tẩn Vần Siệu được nhà nước vinh danh là nghệ nhân nhân dân, bởi những hiểu biết tri thức dân gian và sự trao truyền giá trị cho thế hệ sau, góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Clip: Vai trò của nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao ở Sa Pa

Với đam mê bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nghệ nhân Tẩn Vần Siệu là một trong những nghệ nhân người Dao đỏ ở Tả Phìn nói riêng, ở Lào Cai nói chung luôn cố gắng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, những tri thức dân gian của người Dao để trao truyền các giá trị tốt đẹp cho thế hệ sau.

Đến Tả Phìn, nói về nghệ nhân Siệu thì ai cũng biết. Họ đều gọi ông là “Thầy Siệu” dù cho có thể ông chưa dạy họ ngày nào. Người dân ở đây nói rằng dù thầy không dạy mình nhưng dạy anh em, con cháu nhà mình, thậm chí là mình đưa con, đưa cháu đến để nhờ thầy dạy chữ. Từ mối lương duyên và nghĩa cử cao đẹp của người thầy truyền lửa văn hoá dân tộc cho thế hệ trẻ mà ông được nhân dân nơi này gọi bằng “thầy” với sự kính trọng.

Vào những dịp đầu xuân năm mới, với nhiều người đây là những ngày nghỉ ngơi, thăm thân, du xuân, còn đối với nghệ nhân Tẩn Vần Siệu thì là những ngày bận rộn nhất trong năm, đón học trò khai bút, dạy chữ đầu năm theo phong tục truyền thống. Những học trò đến với thầy để được dạy chữ, đọc sách, học đạo lý, học nghề cổ truyền ghi trong sách. Việc dạy và học đều mang tính tự nguyện, không mang nặng tiền bạc, lệ phí. Các trò đến với thầy đem theo con gà, chai rượu, ít gạo và ít tiền mặt tùy theo khả năng của mỗi trò. Những lễ vật của trò sẽ được dâng lên bàn thờ sư phụ như đánh dấu danh sách trò tham gia để tổ tiên, sư phụ khai tâm sáng nhận biết những điều hay lẽ phải mà sách cổ đã đúc kết từ nhiều đời.

Vai trò của nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao ở Sa Pa- Ảnh 1.

Nghệ nhân Tẩn Vần Siệu đang dạy học cho học trò người dân tộc Dao

Song song với việc truyền dạy chữ viết cổ Nôm Dao, ông Siệu còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ nhiều cuốn sách cổ của người Dao. Hiện, ông có hàng chục cuốn sách cổ, có những cuốn sách đã được lưu truyền hàng trăm năm, như cuốn “thông sâu” (thông thư) để xem ngày tốt, ngày xấu, ngày làm nhà, kết hôn; cuốn “Khoi tàn sâu” (Khai đàn cấp sắc) dày 300 trang viết về các nghi lễ cấp sắc cổ truyền; cuốn “Suất cành dung” (hát đối đáp giao duyên), tập hợp 13 dạng hát đối đáp giao duyên của đồng bào Dao đỏ…

“Hàng ngày, tôi vẫn dành thời gian để sao chép, bổ sung, biên soạn ra sách mới, dịch ra tiếng phổ thông. Mỗi khi kết thúc khóa học, tôi tặng cho mỗi học trò một cuốn sách chép lại để khi về nhà, các cháu sẽ mang ra đọc, vừa có thêm kiến thức, vừa là để ôn luyện lại nét chữ Nôm Dao”, ông Siệu tâm sự.

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, ông Siệu vẫn tâm huyết bảo tồn, gìn giữ, phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Mỗi mùa Xuân về, ông lại truyền dạy những kiến thức mình đã học cho các thế hệ con cháu. Với ông, đó cũng là niềm vui được cống hiến để gìn giữ, lưu truyền nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Dao.

Tẩn Phù Vạn là một trong những học trò xuất sắc của nghệ nhân Siệu, chia sẻ: “Ngoài việc truyền dạy về phong tục tập quán, tín ngưỡng trong những nghi lễ cúng, thầy Siệu còn dạy cho chúng tôi biết trân trọng các giá trị tri thức được lưu giữ trong những cuốn sách cổ mà ông cha chúng tôi truyền lại”.

Bằng sự nhiệt tình trao truyền những tri thức dân gian trong cộng đồng, nghệ nhân nhân dân Tẩn Vần Siệu đã tạo nên sức lan tỏa mãnh liệt tình yêu giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay. Từ đó tạo ra một dòng chảy văn hoá không ngừng nghỉ cho lớp lớp thế hệ học trò người Dao ở Tả Phìn cũng nhiều địa phương khác. Những tri thức dân gian ấy được các thế hệ học trò, người dân tiếp nhận, biến những kiến thức trong sách cổ trở thành sản phẩm cụ thể để phát triển kinh tế, xã hội bền vững, đa chiều, hiệu quả.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn