Vai trò của Ni giới đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện nay

10:00 | 29/10/2019;
Với tỉ lệ 54% trên tổng số hơn 50.000 Tăng Ni cả nước, các chư Ni có đóng góp vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam cũng như sự phát triển của đất nước.

Tại Hội thảo Nữ Phật tử Phật giáo Việt Nam được tổ chức trong khuôn khổ Đại lễ kỷ niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch, Hòa thượng - Tiến sĩ Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhận định: Trong những nhân tố làm nên thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước, của Phật giáo Việt Nam, đoàn thể Ni giới luôn là lực lượng tích cực triển khai và cụ thể hóa đường lối hoạt động, hiến chương và các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm linh, thiết thực dấn thân phục vụ. Bởi hơn hết, Chư Ni Phật giáo Việt Nam luôn nhận thức rõ trách nhiệm và phương châm “phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết súc tích phẩm chất đặc trưng của Phụ nữ Việt Nam là “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”, những đóng góp của Ni giới trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và lịch sử Phật giáo Việt Nam đã chứng minh điều đó.

Đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng đất nước, với thiên tư giới tính, với hạnh từ bi kham nhẫn của người con Phật, với truyền thống “Trung hậu - Đảm đang” được hun đúc từ ngàn đời nay, trong điều kiện mới, nữ Phật tử Việt Nam đã chủ động hành động tích cực và có hiệu quả trong công tác an sinh xã hội và đền ơn đáp nghĩa, được Giáo hội và xã hội đánh giá cao.

 

Hòa thượng - Tiến sĩ Thích Thanh Nhiễu

“Là người con Phật tu Bồ tát đạo, dù là tại gia hay xuất gia, ai ai cũng hiểu, thực hành hạnh Bố thí đúng chính pháp, đứng đầu trong Lục độ Ba-la-mật. Hình ảnh từng đoàn Phật tử, dưới sự hướng dẫn của vị sư trụ trì, vượt qua hàng trăm ki-lô-mét tới những nơi vùng sâu vùng xa, ít thôi nhưng là tấm lòng, tới chia xẻ với những hoàn cảnh khó khăn, thiên tai bão lụt, cô nhi quả phụ, ốm đau bệnh tật... không còn xa lạ trong xã hội hiện nay, được dư luận cộng đồng tán thán. Có không ít những tấm gương Chư Ni và nữ Phật tử trong thời kỳ đổi mới đất nước được Giáo hội Phật giáo, Đảng, Nhà nước và chính quyền, cơ quan đoàn thể, các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương trao tặng những danh hiệu cao quý: Bằng khen, Huân chương và Giấy khen…”, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết.

 

Các ni sư cùng bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tại Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch
 

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, truyền thống của các bậc danh Ni và nữ Phật tử tiền bối như Ni sư Diệu Nhân (1041-1113), Ỷ Lan (1044-1117) và các bậc Ni sư thời cận - hiện đại như Diệu Ngọc (1885-1952), Ni sư Diệu Tịnh (1910-1942), Ni trưởng Như Thanh (1911-1999), Ni trưởng Giác Nhẫn (1919 - 2003), Ni trưởng Huỳnh Liên, ni trưởng Bạch Liên; Ni trưởng Trí Hải (1938 - 2003)..., Ni sư Huệ Từ (chùa Giác Tâm - TPHCM), Ni sư Như Đức (thiền viện Viên Chiếu - Long Thành), Ni sư Như Như (Tu Viện Đại Tòng Lâm - Bà Rịa Vũng Tàu), Ni trưởng Huệ Giác (Quan Âm Tu Viện - Biên Hòa).... luôn được giới nữ Phật tử học tập, phát huy, được xem là gương là mẫu từ trong việc học tập trau dồi hạnh tuệ đến việc hành xử thế gian hàng ngày, giáo dưỡng con cháu gìn giữ nếp nhà, công quả kinh kệ chăm lo chùa cảnh. 

Nữ giới Phật giáo nói chung, Ni giới Phật giáo nói riêng không những làm tốt các nhiệm vụ của người “con gái Đức Phật” mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc đối với nữ Phật tử, động viên giúp đỡ họ, để họ trở thành những tấm gương sáng vừa giỏi việc nước, đảm việc nhà, trưởng dưỡng căn thiện lành lan tỏa, đi đầu trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, xây dựng chùa tiên tiến, xây dựng gia đình văn hóa… Nữ Phật tử đã rất cố gắng để xứng đáng với vai trò của mình trong gia đình và xã hội với cái tâm của người con Phật, đó là Phật sự thiết thực và hiệu quả bền vững nhất để đưa Đạo vào đời, xây dựng và duy trì đời sống tôn giáo từ trong mỗi cá nhân, tới cộng đồng nhỏ là gia đình, rộng ra là cộng đồng dân cư, quốc gia và nhân loại.

 

Nữ Phật tử dự Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch 
 

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nhận định: “Đầu thế kỷ 21, số lượng chư Ni ở Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển lên đến hàng vạn người, chiếm tỉ lệ 54% trên tổng số hơn 50.000 Tăng Ni trong cả nước. Trong số đó, có nhiều vị tốt nghiệp học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, và giữ nhiều trọng trọng trách quan trong trong Giáo hội, nhiều đóng góp cho những thành công của Giáo hội.

Để có được một Giáo hội Phật giáo Việt Nam đổi mới, bền vững và trường tồn cùng thời gian, cùng lịch sử dân tộc, vai trò của nữ giới nói chung và đoàn thể Ni giới Phật giáo nói riêng chính là một mạch nguồn mang chính pháp đến xua đi những khổ đau, bất hạnh, lan tỏa hạnh phúc, vinh quang cho đời, cho xã hội và non sông Việt Nam”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn