Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" đã nhận định rất đúng rằng: "Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng XHCN trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển".
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ, đây là chủ trương nhất quán trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã quyết định thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo - Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) - để thực hiện tín dụng chính sách xã hội cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Chính vì vậy, tín dụng chính sách xã hội có vai trò to lớn trong việc vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa giữ vững định hướng XHCN của việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Theo báo cáo của NHCSXH và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội "Về chính sách tín dụng ưu đãi, đến 31/12/2022, tổng dư nợ đạt trên 283 nghìn tỷ đồng với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ; xây dựng hơn 1,4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng khoảng 13 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp".
Đến ngày 31/12/2022, toàn hệ thống NHCSXH thực hiện giải ngân các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt trên 16 nghìn tỷ đồng; giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất hơn 93 nghìn tỷ đồng, cho trên 2,2 triệu khách hàng. NHCSXH đã thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tổng số tiền hỗ trợ là 878 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận tín dụng chính sách xã hội ngày càng nhiều hơn, dư nợ bình quân trên hộ cũng tăng lên, số dư nợ để sản xuất kinh doanh, học nghề, xuất khẩu lao động cũng tăng hơn. Chính sự hỗ trợ kịp thời của tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, đối tượng chính sách xã hội tạo sinh kế, việc làm, ổn định đời sống, giảm nghèo thực chất.
Ngoài ra, tín dụng chính sách xã hội còn tạo điều kiện giúp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Ngoài ra, chúng ta còn thấy tín dụng chính sách xã hội giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tăng khả năng tích lũy tài sản, chống chịu được trước những cú sốc kinh tế. Đồng thời, tạo niềm tin thúc đẩy nhu cầu đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng suất lao động tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trong 10 năm từ 2011-2020, đã có trên 21,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 509.020 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giúp trên 3,7 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 2 triệu lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm; giúp 1,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập;". Cùng với những công cụ khác thì tín dụng chính sách xã hội là công cụ thiết thực, hiệu quả giảm nghèo bền vững.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% (năm 2010) xuống 4,25% (năm 2015); trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (đầu năm 2016) xuống còn 3,75% (năm 2019), dưới 3% (năm 2020). Qua đó góp phần giữ vững định hướng XHCN của phát triển kinh tế thị trường.
(Nguồn VBSP, còn tiếp)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn