Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam. Từ những năm 1920 khi Người sáng lập ra tờ báo Người cùng khổ (Le Paria), những minh họa, biếm họa trên báo của Người chính là tiền đề của loại hình tranh cổ động chính trị. Người sáng lập nhiều tờ báo và trực tiếp vẽ nhiều tranh minh họa, các minh họa, biếm họa của Người sáng tạo và xúc tích, có giá trị như những tác phẩm tranh cổ động hoàn chỉnh. Báo Thanh niên xuất bản lần đầu năm 1925 là tờ báo có vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên tờ báo này, Người đã vẽ một bức minh họa có giá trị nghệ thuật cao, phê phán sự thỏa hiệp với thực dân Pháp trong chính sách quốc gia cải lương.
Tranh cổ động Việt Nam chính thức xuất hiện khi chính quyền Cách mạng Việt Nam ra đời và trở thành thể loại xung kích của mỹ thuật Việt Nam, phục vụ công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Các họa sĩ vẽ tranh cổ động là những chiến sĩ tuyên truyền, phản ánh những sự kiện, những vấn đề thời sự của đời sống xã hội. Trong bức thư gửi các họa sĩ, Bác Hồ đã viết: "Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận; anh, chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, tranh cổ động là loại hình nghệ thuật được đa số các họa sĩ tham gia vẽ. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tranh cổ động bám sát các chiến dịch của quân đội ta, công tác binh vận, tình quân dân, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 1966, Bộ Văn hóa thành lập Xưởng tranh cổ động trực thuộc Tổng cục Thông tin, tập hợp được nhiều họa sĩ chuyên sáng tác tranh cổ động như vợ chồng họa sĩ Dương Ánh - Minh Phương, Thục Phi, Nguyễn Phương Liên,… Trong kháng chiến chống Mỹ, tranh cổ động tập trung vào các chủ đề hậu phương lớn miền Bắc, tiền tuyến lớn miền Nam, chống chiến tranh phá hoại, các đề tài về giao thông, vận tải, về đường Trường Sơn, về công, nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, học tập văn hóa, cổ vũ khí thế chiến đấu để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Năm 1970, triển lãm tranh cổ động kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với hơn 100 tác phẩm được trưng bày. Có nhiều tác phẩm xuất sắc như: "Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi" của Vũ Viết Quang, "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" của Huy Oánh và Nguyễn Thụ, "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Huỳnh Văn Thuận, "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau" của Thục Phi...
Một bức tranh tiêu biểu của họa sĩ Tô Liên thời kỳ này là bức "Bọn đế quốc, bọn phản động trong nước chớ dại dột đụng đến đất nước này". Bức tranh thể hiện bằng đường nét khỏe khoắn, khúc triết, vẽ một người phụ nữ vai khoác súng đầy dũng mãnh, uy lực thể hiện cho khí phách hào hùng của người Việt Nam. Phía sau là hình bản đồ Việt Nam trên nền trống đồng, cùng các hình vẽ về chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Vẻ đẹp và khí thế của bức tranh chắc chắn còn tỏa sáng đến hôm nay và muôn đời sau.
Nhiều tranh cổ động hiện nay được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và nhiều bảo tàng trong cả nước.
Sau năm 1975, tranh cổ động vẫn tiếp tục phát triển, với lực lượng sáng tác đông đảo, tiếp tục làm công tác cổ động trực quan phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước và của từng địa phương. Thời kỳ này có nhiều họa sĩ tiêu biểu như: Tô Liên, Đường Ngọc Cảnh, Nguyễn Bích, Trần Gia Bích, Nguyễn Tiến Chung, Đỗ Xuân Doãn, Phạm Văn Đôn, Đào Đức, Vũ Hiền, Thế Hùng, Lê Quốc Lộc, Phạm Lung, Tuyết Mai, Thục Phi, Quang Phòng, Trịnh Phòng, Phạm Đức Phong, Huỳnh Văn Thuận…
Theo thông tin từ Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở là cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng tổ chức thi sáng tác tranh cổ động. Trong những năm qua Cục Văn hóa cơ sở đã tổ chức rất nhiều những cuộc thi vẽ tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng của đất nước như: Kỷ niệm Ngày Thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam 3/2/1930, ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890, Ngày Cách mạng tháng Tám 19/8/1945, Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9/1945 và Ngày thương binh liệt sĩ 27/7/1947 và các sự kiện lịch sử quan trọng khác của đất nước.
Thông qua các cuộc thi tranh cổ động, Cục Văn hóa cơ sở lựa chọn được nhiều tác phẩm chất lượng cao, đáp ứng tốt về nội dung và mỹ thuật của các họa sĩ trong cả nước để phục vụ công tác tuyên truyền như: Tuyên truyền kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1930 - 3/2/2020, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2020, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 5/6/1911 - 5/6/2021, kỷ niệm 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 - 19/12/2021.
Trong năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Cục Văn hóa cơ sở đã phối hợp đặt hàng với các họa sĩ để sáng tác tranh cổ động phòng chống dịch Covid-19, nâng cao ý thức chống dịch và tạo không khí tích cực trong đời sống, góp phần không nhỏ trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh trong giai đoạn hết sức khó khăn.
Năm 2023 Cục Văn hóa cơ sở phát động cuộc thi tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc 11/6/1948 - 11/6/2023, đây là cuộc thi thể hiện rõ nét ý nghĩa của lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò, tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước, khẳng định giá trị và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước qua từng giai đoạn cách mạng của Đảng và Nhân dân ta, từ đó củng cố và bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội trong các phong trào thi đua và công tác thi đua. Tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường vượt qua khó khăn của nhân dân ta, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Các tác phẩm tranh cổ động được lựa chọn qua các cuộc thi được các địa phương đón nhận và triển khai phát huy hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền cổ động trực quan của các địa phương. Để Cục Văn hóa cơ sở tổ chức thành công các cuộc thi tranh cổ động, không thể không kể đến sự tham gia tích cực và tâm huyết của các họa sĩ tài hoa gạo cội trong lĩnh vực tranh cổ động như: Trần Duy Trúc, Lưu Yên Thế, Đỗ Như Điềm, Hà Huy Chương, Trần Tuấn Việt, Trần Đức Lợi, Trịnh Bá Quát. Bên cạnh các họa sĩ gạo cội còn có các họa sĩ thuộc thế hệ trẻ như: Đỗ Trung Kiên, Lưu Ngọc Phan, Nguyễn Anh Minh, Hà Thành, Phạm Ngọc Mạnh và các họa sĩ đam mê và tâm huyết với các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là loại hình tranh cổ động mang lại hiệu quả và giá trị cao trong công tác tuyên truyền.
Một điều thú vị là ở Việt Nam hiện nay có nhiều thế hệ họa sĩ thầy trò, cha con tiếp nối nhau đam mê, theo đuổi vẽ tranh cổ động. Có thể kể đến một số thế hệ tiếp nối đạt được nhiều thành công như thầy trò: Trần Đức Lợi - Đỗ Trung Kiên (Hà Nội), cha con họa sĩ Hà Huy Chương - Hà Huy Trường - Hà Thị Hương Thanh (Hải Dương) , cha con họa sĩ Lưu Yên Thế - Lưu Ngọc Phan (Hà Nội), cha con họa sĩ Nguyễn Anh Thập - Nguyễn Anh Minh (Vĩnh Phúc), cha con họa sĩ Nguyễn Ngần - Nguyễn Thị Dung (Hà Nam)…
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, là trưởng ban giám khảo ở nhiều cuộc thi tranh cổ động những năm gần đây, cho biết: "Tín hiệu đáng mừng cho thấy lớp kế cận tài năng đang tích cực đóng góp tiếng nói của thế hệ mình trước những vấn đề quan trọng của đất nước". Họa sĩ lão thành Trần Duy Trúc cho rằng: "Hầu hết các họa sĩ tham gia vẽ tranh cổ động ngày nay đều vững vàng về nghề nghiệp, các họa sĩ cao tuổi và họa sĩ trẻ đều có cách nhìn hấp dẫn người xem, không như suy nghĩ sai lầm của một số người là tranh cổ động không học cũng vẽ được. Bộ môn nghệ thuật nào thì cũng phải học, rèn luyện mới thành công. Tôi vẽ tranh cổ động từ thời chống đế quốc Mỹ, nhận thấy vẽ tranh cổ động thật khó, nó đòi hỏi nhiều ý tưởng, hình, màu, bố cục, chữ. Vẽ tranh cổ động là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của người họa sĩ - người chiến sĩrên mặt trận văn hóa tư tưởng như Bác Hồ đã nói. Tác phẩm tranh cổ động vẽ như thế nào để chuyển tải được ý nghĩa chính trị, chính sách của Đảng và Nhà nước mới là quan trọng".
Tranh cổ động Việt Nam thực sự là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa, chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Họa sĩ vẽ tranh cổ động Việt Nam nhiều thế hệ kế tiếp đã liên tục sáng tạo bằng ngôn ngữ đồ họa, cô đọng, súc tích có tính biểu tượng, gần gũi và dễ hiểu. Tranh cổ động Việt Nam có phong cách riêng, tồn tại và phát triển lâu dài cho đến hôm nay là hiếm có và độc đáo trên thế giới. Bên cạnh việc đề cao tinh thần trách nhiệm của người nghệ sĩ với những nhiệm vụ chung của đất nước, vị trí nghệ thuật của các tác phẩm tranh cổ động trong đời sống mỹ thuật hiện nay cũng cần phải được công chúng ghi nhận, đề cao hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn