Những điều ngược "khuôn phép"
Tôi và nhiều phụ nữ thế hệ 7X trở về trước, khi lớn lên, thường được cha mẹ dạy thuyết "tam tòng tứ đức", công dung ngôn hạnh, rằng phụ nữ đi lấy chồng thì phải nhớ câu “thuyền theo lái, gái theo chồng”, “sống làm người nhà chồng, chết làm ma nhà chồng”; rằng là phụ nữ thì phải biết “nhẫn nhịn, hy sinh, một lòng vì chồng vì con, cơm sôi bớt lửa, lạt mềm buộc chặt…”. Những điều ấy không sai nhưng cũng không phải là điều đúng, điều hay trong mọi hoàn cảnh, tình huống. Những bài học mang nặng định kiến giới ấy đã vô tình buộc chặt, thắt nút, bủa vây người phụ nữ. Để rồi, khi bước chân vào hôn nhân, làm vợ, làm mẹ, làm dâu, biết bao người phụ nữ đã “trung thành” với tư tưởng được “nhồi nhét” từ bà, từ mẹ mà một đời “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chịu đủ bất công, thiệt thòi, có khi bị bạo lực cả thể chất lẫn tinh thần.
Và tất nhiên, tôi cũng không nằm ngoài trong số những người phụ nữ ấy!
Nhưng rồi, một lần, nghe chị Nguyễn Vân Anh nói chuyện về giới, khi nghe chị chia sẻ, rằng “phụ nữ phải biết yêu thương bản thân, nếu làm đẹp thì cũng làm đẹp vì mình chứ đứng nghĩ phải làm đẹp là vì chồng, để giữ chồng; phụ nữ hay đàn ông thì đều là con người, là những cá thể độc lập, vậy thì sao phụ nữ lại cứ phải dựa vào đàn ông? Tại sao phụ nữ lại phải xinh đẹp, nín nhịn, chịu đủ thiệt thòi để giữ chồng? Tại sao người chồng được phép đánh vợ, được phép đi ngoại tình còn phụ nữ lại phải cam chịu và tha thứ để giữ gia đình?”... Thú thật, dù là một người làm báo, luôn viết những bài bênh vực phụ nữ, phản ứng với những tư tưởng bất bình đẳng giới nhưng vì được bà, được mẹ dạy dỗ quá nhiều những quy tắc của “phụ nữ chuẩn mực” (theo cách nghĩ của bà, của mẹ, của những người phụ nữ đi trước) nên tôi khá lạ lẫm và “sốc” trước những tư duy của người đà bà không theo “khuôn phép” ấy.
Ước mơ để nam giới cùng phụ nữ hạnh phúc hơn
Nguyễn Vân Anh được biết đến như một nhà hoạt động có nhiều nỗ lực trong việc đấu tranh vì quyền của phụ nữ. Chị là sáng lập viên của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) với gần 20 năm kinh nghiệm vận động cho quyền của các nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán và quyền của nhóm LGBT.
Chị vốn là cô giáo, sau 7 năm đứng trên bục giảng, chị lên Hà Nội theo học thạc sĩ. Chị là học viên cao học khóa đầu tiên của Đại học Sư phạm Hà Nội. Học xong thạc sĩ, trong thời gian đi xin việc mãi chưa được, một ngày đẹp trời, thấy Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) thi tuyển phóng viên, vậy là Vân Anh nộp đơn thi, và đỗ, vậy là trở thành phóng viên nhà Đài từ ấy.
Chị Vân Anh luôn tự nhận mình là người... khác người với tính cách mạnh mẽ, tôn trọng cảm xúc cá nhân, tôn trọng tự do, khi muốn gì, thích gì thì phải làm bằng được. Nhưng chị không bao giờ để cảm xúc trôi một cách bản năng mà trước bất kỳ một quyết định nào, chị luôn tự vấn bản thân, đặt ra những rủi ro, lường trước phản ứng của người thân và chính bản thân, sau đó mới đi đến quyết định cuối cùng. Quyết đoán, trái tim luôn nóng, cái đầu luôn lạnh, cộng với sự cẩn trọng chính là những nền tảng để chị dấn thân và thành công với những quyết định mới mẻ.
Chị kể, năm 2002, sau 10 năm làm phóng viên, đang có 1 vị trí công tác tốt ở VOV, là niềm tự hào của bố mẹ và gia đình, đùng một cái, chị quyết định nghỉ việc. Thời điểm ấy, ra khỏi biên chế được coi là một hành động “điên rồ”, gây sốc đối với nhiều người. Lường trước điều ấy nên chị lẳng lặng nộp đơn nghỉ việc cho lãnh đạo, không nói với bất kỳ với ai, từ cha mẹ, người thân cho đến đồng nghiệp. Chị bảo, “bản thân luôn tâm niệm, khi làm việc gì đó đã đến lúc cùn mòn, mình cảm thấy không còn dồi dào sự sáng tạo, cảm hứng thì sẽ dừng lại để lựa chọn cho mình một hướng đi khác giàu cảm hứng và sự sáng tạo hơn”.
Cho đến bây giờ, chị Vân Anh vẫn luôn cảm ơn con đường và những công việc chị đã chọn: Nghề giáo cho chị sự chỉ chu, điềm đạm, quan tâm, lòng nhân ái…; nghề báo cho chị cơ hội đi nhiều, biết nhiều, luôn lắng nghe, quan sát, thể hiện ngòi bút và cái tôi mạnh mẽ; nghề tư vấn (năm 1997, chị Vân Anh mở Công ty tư vấn tâm lý tình cảm Linh Tâm, sau gọi là Trung tâm tư vấn tình cảm tâm lý Linh Tâm. Đây cũng là mô hình trung tâm tư vấn tâm lý tình cảm đầu tiên ở Việt Nam - PV) cho chị cơ hội được lắng nghe tâm tư, tiếng lòng, hoàn cảnh của hàng vạn phụ nữ khắp mọi miền đất nước... Và đặc biệt, công việc hiện tại (Giám đốc CSAGA) cho chị được sống trọn với những khát khao tự do, niềm ấp ủ mang lại những giá trị tốt đẹp - tự tin cho phụ nữ.
Có một chuyện vui mà mỗi lần nhớ đến, chị lại bật cười vì cái sự “khác người” của mình. Ấy là trong lúc dọn đồ nghỉ việc ở VOV, khi lục ngăn kéo cá nhân, chị không thể ngờ, trong suốt khoảng thời gian 2 năm trước đó, chị đã viết hàng chục cái đơn xin việc ở khắp nơi vì muốn thay đổi môi trường làm việc, muốn làm một việc gì đó mới mẻ hơn. Trong tệp đơn xin việc ấy, có một cái đơn xin đi… phân phối kem Hoàng Dương. Sau khi gửi đơn xin đi phân phối kem, vì không biết công việc cụ thể là gì, chị đã gọi điện cho vị giám đốc công ty này xem tiêu chuẩn và cụ thể chị phải làm gì. Khi vị giám đốc cho hay, nếu có phương tiện cá nhân là xe máy, xe đạp thì chỉ cần buổi sáng chị đến lấy kem và buổi chiều về trả tiền cho cửa hàng là được. Lúc ấy chị mới biết là mình sẽ phải… đi bán kem rong!
Với chị Vân Anh, cuộc sống không có nấc thang cuối cùng, khi làm tốt một việc gì đó rồi, chị lại muốn thử sức với sự chinh phục mới. Bởi vậy, trong con người nhỏ bé ấy, trái tim luôn thôi thúc sự bứt phá, tìm kiếm và hướng đến sự mới mẻ. Chị kể, có lúc, thậm chí chị còn nghĩ, hay là mình đi bán phở hoặc tìm một chỗ bán rau để được sống với những mơ mộng của mình? Người nghe chị kể tưởng chị “hâm” nhưng còn chị lại nghĩ, làm như thế, ít ra mình cũng được sống là mình, sống với ước mơ của mình, được truyền cảm hứng từ những điều mới mẻ. “Con người được truyền cảm hứng đôi khi chỉ là từ một lời nói, một sự trân trọng mà thôi”, chị tâm sự.
Nhớ ngày đầu tiên khi CSAGA làm bản tin Nhặt sạn giới (chuyên soi và bắt lỗi những quan niệm định kiến giới trên các ấn phẩm truyền thông), có nhiều tờ báo và các nhà nghiên cứu giới ủng hộ nhưng cũng có rất nhiều lãnh đạo, phóng viên của một số cơ quan báo chí phản ứng, gọi điện mắng mỏ, dọa nạt, dùng những lời nói khiếm nhã, xúc phạm… Thậm chí, có cả 1 vị quan chức của một cơ quan Bộ khi gặp chị trong một hội nghị, đã nói “như hắt nước vào mặt” với thái độ rất coi thường, rằng: “À, quyển đó (tức bản tin Nhặt sạn giới - PV) tôi vẫn nhận được thường xuyên nhưng tôi cho vào sọt rác, chả xem bao giờ”. Tưởng thế thì chị sẽ buồn, tuyệt vọng, chán nản nhưng chị không tỏ thái độ mà vẫn mỉm cười cảm ơn. Vì trong lòng chị lại rất hoan hỉ vì biết đích xác rằng, vị quan chức ấy đã đọc và thậm chí đọc rất kỹ tờ Nhặt sạn giới của chị. Theo chị, “có đọc thì vị ấy mới biết trong đó mình viết gì, nhặt sạn gì để có phản ứng ném vào sọt rác chứ”.
Chia sẻ về công việc chuyên môn, chị Vân Anh kể, có nhiều nam giới đã thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, hành vi bạo lực giới nhưng cũng có vô số người, thậm chí là rất nhiều đàn ông trí thức tỏ ra tức giận, mạt sát, đe dọa chị và các đồng nghiệp ở CSAGA vì “cái tội” đấu tranh vì nữ quyền, dạy vợ cãi chồng, tiếp tay cho phụ nữ “nổi loạn”, “vẽ đường cho hươu chạy”… Tưởng hứng bao nhiêu "gạch đá" thì chị sẽ nhụt chí, sẽ bị bào mòn niềm tin nhưng không, chị bộc bạch: “Mình không sợ ai hiểu sai mình cả. Ngược lại, mình rất cám ơn vì nhờ những "gạch đá" mà trưởng thành hơn, thành công hơn. Mình làm tất cả những điều ấy không phải để chống lại nam giới, mà để nam giới cùng phụ nữ hạnh phúc hơn. Trời đất sinh ra chúng ta để chúng ta tận hưởng cuộc sống, không phải để chịu đựng đau khổ, bị bạo hành, vì thế chúng ta phải biết tự mình giành lấy niềm vui”.
Hạnh phúc được góp nhặt từ hạnh phúc của những người phụ nữ khác
Bản thân đi qua nhiều khó khăn nhưng chị luôn tư duy tích cực hướng về phía mặt trời, về phía cuộc sống an nhiên hơn. Với Vân Anh, những thăng trầm, sóng gió, phong ba cuộc đời không làm cùn mòn khát vọng của chị mà chỉ là một nốt trầm để chị lắng xuống nhìn lại mình, tư tuy chính xác hơn. Khi vượt qua được chướng ngại vật, chị lại hăm hở sống, hăm hở lao vào những dự định, kế hoạch mới.
Tôi thắc mắc, không biết chị nạp năng lượng sống bằng cách nào mà hàng ngày chị tự lái xe di chuyển như con thoi, lúc nào cũng thấy bản kế hoạch công tác kín mít từ đầu tuần đến cuối tuần? Chị bảo, sau mỗi ngày bận rộn, trở về ngôi nhà cùng khu vườn ở ngoại ô Hà Nội, uống một tách trà, nghe tiếng chim líu lo, ngắm hoa, tự tay trộn giá thể trồng cây…, bây nhiêu cũng đủ thư thái tâm hồn và mến yêu cuộc sống này nhiều hơn.
Với tính chất công việc, mấy mươi năm qua, chị Vân Anh tiếp xúc với không biết bao nhiêu số phận phụ nữ với đủ cung bậc khổ đau, bất hạnh, tuyệt vọng, lầm than. Chị không dám nhận mình đã làm thay đổi cuộc đời họ mà ngược lại, sự thấu cảm nỗi đau của họ lại càng thôi thúc chị phải làm được điều gì đó để mang lại sự công bằng và bình quyền cho phụ nữ yếu thế. “Những nạn nhân khi lần đầu tiên mình gặp họ, chỉ thấy nước mắt ướt nhòe khuôn mặt tím thâm cùng những nức nở, nghẹn ngào. Song, những lần sau ấy, là nụ cười trên khuôn mặt rạng rỡ, tươi tắn, tự tin. Mình hạnh phúc vô cùng khi nhìn thấy những nụ cười trên khuôn mặt tươi sáng của họ”, chị Vân Anh bộc bạch.
Chủ đề cuối cùng trong buổi trò chuyện, chúng tôi nói về hạnh phúc. Chị Vân Anh chỉ nói một câu ngắn gọn: “Hạnh phúc của tôi, nụ cười của tôi được góp nhặt từ hạnh phúc và nụ cười của những người phụ nữ khác”.
Bà Nguyễn Vân Anh là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA). Đây là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền cho nhóm phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi kỳ thị và bạo lực tại Việt Nam. Năm 2007, bà được Women’s eNews, hãng tin chuyên đăng tải những thông tin về phụ nữ và em gái để tạo dựng thế giới công bằng hơn ở Mỹ, vinh danh là 1 trong 21 phụ nữ xuất sắc của thế kỷ 21. Bà là một trong những người sáng lập và thúc đẩy các mạng lưới DOVIPNet và GBVnet của Việt Nam. Bà từng tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn Top 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017. * Bà Nguyễn Vân Anh là 1 trong số những nhân vật được L'Oréal vinh danh là người đẹp có câu chuyện đẹp và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng qua chương trình tôn vinh nét đẹp phụ nữ "L'Oréal - Tỏa sáng nét đẹp riêng". |