Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh Phạm Thị Thủy cho biết: Các vụ tảo hôn xảy ra chủ yếu ở vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, nhận thức về cuộc sống cũng như hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, đời sống gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê, về tảo hôn, năm 2021 xảy ra 14 trường hợp, năm 2022 có 11 trường hợp, năm 2023 có 22 trường hợp, 6 tháng đầu năm 2024 có 10 trường hợp. Về hôn nhân cận huyết thống, chưa phát hiện trường hợp nào.
"Hội, đoàn thể, các ngành đều hiểu, dù có tuyên truyền như thế nào đi nữa, khi hai gia đình đã quyết định thì việc can thiệp là rất khó. Nhất là khi con trẻ đưa bố mẹ vào tình thế đã rồi thì không còn cách nào khác. Những trường hợp tảo hôn thường tổ chức đám cưới xong, người dân cung cấp thông tin thì cán bộ mới biết, có trường hợp đang tổ chức đám cưới, chính quyền biết đến vận động thì họ dừng đám cưới nhưng vẫn về ở với nhau; có những trường hợp đến vận động thì lại "dọa" đòi tự tử hoặc cha mẹ không can ngăn mà còn ủng hộ con", chị Phạm Thị Thủy chia sẻ.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tảo hôn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh cho biết, có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân quan trọng nhất:
"Nguyên nhân khách quan như: Do ảnh hưởng của những quan niệm, thành kiến, phong tục tập quán lạc hậu; do tác động, ảnh hưởng của những mặt trái của cơ chế thị trường (thời gian dậy thì sớm, internet phổ biến, trang web đen nhiều...), lối sống thử, thiếu kinh nghiệm về giới tính.
Nguyên nhân chủ quan như: Do trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế; công tác tuyên truyền còn bất cập, hạn chế và hiệu quả chưa cao; mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa thật sự chặt chẽ; sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn còn chưa kịp thời, thiếu kiên quyết.
Đặc biệt là từ chính bản thân các em. Một số em đi học ở các trường nội trú, bán trú của huyện, tỉnh, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình. Một số em đang trong độ tuổi đi học lại ham chơi, lười học, dẫn đến học yếu, chán nản và bỏ học giữa chừng về nhà lao động và tạo lập gia đình sớm...".
Trước thực trạng đó, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện, theo chị Phạm Thị Thủy, trong những năm qua, Hội LHPN huyện Vân Canh đã luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền ngắn gọn, súc tích, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn khu dân cư, đã thu hút nhiều chị em phụ nữ đến với Hội và tham gia sinh hoạt Hội.
Chị Phạm Thị Thủy cho biết: "Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông sân khấu hóa, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, giao lưu văn hóa văn nghệ... Thành lập 35 Tổ truyền thông cộng đồng, 3 CLB thủ lĩnh của sự thay đổi, 3 mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng, tổ chức hàng trăm cuộc truyền thông tại các thôn, làng… thu hút nhiều hội viên phụ nữ đến tham dự. Thành lập 5 CLB phòng chống ma túy, 3 CLB phụ nữ với an toàn giao thông, 1 CLB phòng chống bạo lực gia đình…
Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hậu quả của việc bỏ học…; tuyên truyền một số văn bản luật quy định hình phạt liên quan đến tảo hôn, tổ chức tảo hôn… Đặc biệt, phát huy vai trò CLB thủ lĩnh của 3 trường, 35 tổ truyền thông cộng đồng cùng nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, đa dạng thu hút nhiều em, các chị và nhân dân tham gia…".
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh, nhằm giảm tình trạng tảo hôn và từng bước giảm nghèo bền vững, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án do Hội LHPN chủ trì. Đặc biệt tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung thuộc Dự án 8 "Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".
Thứ 2, tiếp tục đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng nhóm đối tượng về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, để từng bước giúp người dân, học sinh nhận thức được hậu quả của tảo hôn. Phối hợp với ngành giáo dục, chính quyền địa phương đưa nội dung tuyên truyền phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào các buổi học, sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt CLB Thủ lĩnh để các em hiểu biết và nhận thức được tác hại, hậu quả của việc tảo hôn, từ đó từng bước giảm thiểu tình trạng này.
Thứ ba, phát huy thế mạnh việc sử dụng các trang mạng xã hội (zalo, facebook), các phương tiện thông tin đại chúng từ huyện đến cơ sở để tuyên truyền một cách sâu rộng và hiệu quả nhất. Phát huy hiệu quả các mô hình, các câu lạc bộ, các tổ cộng đồng tại cơ sở để nắm bắt kịp thời những đối tượng và con em của hội viên phụ nữ trong độ tuổi có nguy cơ tảo hôn. Từ đó tuyên truyền - trước hết đối với các bậc phụ huynh; còn đối với các cháu thì phối hợp với nhà trường cùng với thầy cô giáo để tuyên truyền, vận động.
Thứ tư, tăng cường trách nhiệm, vai trò của già làng, người có uy tín trong việc vận động, giúp đỡ bà con tích cực sản xuất, cải thiện đời sống; xóa bỏ các tập tục lạc hậu; làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng.
Thứ năm, tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc ngăn chặn tình trạng tảo hôn. Đồng thời, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm để nêu gương cho cộng đồng, bởi trên thực tế vì nhiều lý do, chính quyền địa phương vẫn còn phớt lờ hoặc dễ dãi với người vi phạm, tạo ra tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận người dân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn