Ý kiến của các chuyên gia, nếu Nghị định được xây dựng hoàn thiện sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp phát triển thương hiệu, gia tăng giá trị sản xuất hàng hóa trong nước.
Nghị định nên chú trọng việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước
Trao đổi với Phóng viên Báo PNVN, ông Phạm Văn Tam – Cố vấn và đầu tư thương hiệu Asanzo đánh giá, để đưa hàm lượng, tỷ lệ quy định về Hàng xuất xứ tại Việt Nam ("Made in Vietnam" - PV) là rất khó và không thể được. Có những thời điểm doanh nghiệp đạt chuẩn, nhưng mẫu mã sẽ thay đổi thì doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu mới. Doanh nghiệp không thể dùng mãi nguyên liệu trong nước với những mẫu mã, chất liệu đã gây nhàm chán cho người tiêu dùng.
Những ngành may mặc, thời trang, công nghệ thì mẫu mã chỉ xoay vòng trong khoảng thời gian 3 – 6 tháng. Giả sử, cơ quan chức năng đến doanh nghiệp để thẩm định bao nhiêu % nguyên liệu ở trong nước thì một thời gian ngắn sau sẽ phải đi thẩm định lại do doanh nghiệp có sự thay đổi.
Doanh nghiệp phải có sự thay đổi theo xu hướng và tùy vào từng mùa để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Quần áo, giày dép vào mùa đông, mùa xuân, mùa hè hay mùa thu đều sẽ có những nguồn nguyên liệu khác nhau. Kiểu dáng sản phẩm của giới trẻ thay đổi bắt nguồn từ trào lưu ở các quốc gia khác hoặc tiếp cận được do du nhập từ nước ngoài.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu dẫn chứng trên thực tế, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy định về xuất xứ hàng hóa. Trong đó, có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "Sản phẩm của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam".
Hơn nữa, các quy định pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về bộ tiêu chí xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa cũng gây cản trở cho người tiêu dùng khi tìm hiểu sử dụng cũng như gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xác định nguồn gốc của hàng hóa.
Doanh nghiệp phải bám theo "tiêu chuẩn, tiêu chí" để đạt đúng quy định về "Made in Vietnam" sẽ khó có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu và không đáp ứng được với nhu cầu xuất khẩu.
Ông Tam đưa ra đề xuất, nên chăng chỉ quy định rộng hơn: "Hàng xuất xứ từ Việt Nam, Hàng của Việt Nam…" thì doanh nghiệp, người tiêu dùng dễ hiểu hơn. "Made in Vietnam" là cụm từ quá chung chung. Không ai dám nói "Hàng của Việt Nam" là chắc chắn và hoàn toàn ở Việt Nam được. Đơn cử như trái cây Việt Nam trồng và tiêu thụ trong nước, có những loại hạt giống, cây giống, phân bón, công nghệ nuôi trồng đều phải nhập hoặc hỗ trợ từ nước ngoài chứ không phải 100% nguồn nguyên liệu là ở trong nước.
Ông Phạm Văn Tam khẳng định rất khó để có thể áp vào quy định một thương hiệu như thế nào là "Made in Vietnam". Về mặt lý thuyết, các quy định không thể đáp ứng được với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp. Có thể quy định về "Made in Vietnam" phù hợp với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhưng không phù hợp với các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác. Quy định "Made in Vietnam" chỉ mang tính tương đối chứ không thể có tính tuyệt đối với tất cả các loại hàng hóa.
Hầu như các nước tiên tiến trên thế giới không quan tâm đến xuất xứ hàng hóa mà chỉ chú trọng đến thương hiệu của sản phẩm. Quy định về xuất xứ hàng hóa ở các nước hỗ trợ cho doanh nghiệp hoàn thuế để xuất khẩu và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.
Dự thảo Nghị định không tạo thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) phân tích, trong trường hợp các cá nhân, tổ chức muốn thể hiện hàng hóa "Sản xuất tại Việt Nam" hoặc là "sản phẩm của Việt Nam" trên hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc các chứng từ liên quan khác thì hàng hóa đó bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu theo quy định tại Nghị định về "Hàng xuất xứ tại Việt Nam".
Các trường hợp được phép thể hiện là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và cách thể hiện như sau: "Hàng hóa có xuất xứ thuần túy Việt Nam; Hàng hoá được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam;
Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa. Đối với các hàng hoá có công đoạn gia công, chế biến đơn giản thì sẽ được coi là không có nguồn gốc Việt Nam".
Nghị định mới cũng sẽ tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm như: Sản xuất tại Việt Nam; Chế tạo tại Việt Nam; Nước sản xuất: Việt Nam; Xuất xứ: Việt Nam; Sản xuất bởi: Việt Nam.
Dự thảo Nghị định "Sản xuất tại Việt Nam" sẽ không tạo thêm thủ tục hành chính mới cho doanh nghiệp. Nguyên tắc quản lý việc xác định và thể hiện sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, chứng từ thương mại liên quan... theo nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai và tự chịu trách nhiệm.
Trong thời gian qua, Việt Nam liên tục xuất hiện tình trạng lạm dụng xuất xứ "Made in Việt Nam" để hưởng lợi miễn phí hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, khi ban hành Nghị định về hàng sản xuất tại Viêt Nam sẽ đưa ra những tiêu chí giúp người tiêu dùng cũng như các cơ quan chức năng có thể làm căn cứ xác định và phương thức thể hiện hàng hóa nào là "sản phẩm của Việt Nam" hoặc "sản xuất tại Việt Nam" khi lưu thông trên thị trường nội địa.
Ngoài ra, sẽ có nguyên tắc quản lý việc thể hiện sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, chứng từ thương mại liên quan; biện pháp chống gian lận trong việc thể hiện sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Trường hợp không chắc chắn về xuất xứ Việt Nam thì tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn thể hiện cụm từ mô tả công đoạn gia công, chế biến chính diễn ra tại Việt Nam, chẳng hạn như: Thiết kế tại Việt Nam, Thiết kế bởi công ty, tập đoàn nào hay Lắp ráp tại Việt Nam, Lắp ráp bởi công ty, tập đoàn nào,…
Luật sư Nguyễn Văn Hậu đúc kết vấn đề: "Những quy định cụ thế nêu trên sẽ giúp người tiêu dùng có thể biết rõ thông tin, nguồn gốc, xuất xứ về mặt hàng mà mình đang sử dụng nhằm bảo vệ an toàn và lợi ích tối đa cho người tiêu dùng".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn