Việt Nam hiện đứng thứ 16/30 nước có gánh nặng về bệnh nhân lao cao nhất trên thế giới và xếp thứ 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.
Theo TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi TƯ, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 1,6 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu mỗi năm.
Tại Việt Nam, theo ước tính, năm 2017, nước ta có thêm 124.000 người mắc lao và có 12.000 người chết do lao. Số người chết do lao cao hơn tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Chương trình chống Lao quốc gia Việt Nam trong thời gian qua cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc lần 1 năm 2007 và lần 2 năm 2017 và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8% một năm.
Những năm gần đây tốc độ này giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Bên cạnh đó, đến nay Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị với kết quả cao, đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới mạnh từ trung ương đến địa phương.
Mặc dù số người mắc và tử vong do lao vẫn còn cao nhưng công tác phòng, chống lao ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Tại Hội thảo kiện toàn mô hình tổ chức đơn vị chống lao tuyến tỉnh của 15 tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa, do Bộ Y tế và Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức ngày 15/8, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, gánh nặng bệnh lao lớn, tử vong do lao cao hơn tai nạn giao thông nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, mặc dù mô hình tổ chức chống lao tuyến tỉnh hiện nay phần lớn do bệnh viện chuyên khoa lao/bệnh phổi chịu trách nhiệm (đã có 48 bệnh viện chuyên khoa lao/bệnh phổi), tuy nhiên vẫn còn 15 đơn vị chống lao tuyến tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa. Một số địa phương đang trong quá trình sát nhập theo mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Sự thay đổi này đang gây ra những biến động lớn về tổ chức, nhân lực và hiệu quả của công tác chống lao tại 15 tỉnh, khó đảm bảo cho công tác chống lao trên địa bàn tỉnh.
Theo TS Nguyễn Viết Nhung, nhiều tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa lao. Nếu không thành lập được bệnh viện thì tìm ra mô hình chống lao phù hợp với địa phương như lập khoa lao ở Bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để làm tốt công tác phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lao trên địa bàn.