Vẫn còn băn khoăn, tâm tư cho người làm công tác dân số

15:56 | 04/07/2018;
Mới đây, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đưa đoàn phóng viên đi thực tế tại 3 tỉnh vùng cao là Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ để tìm hiểu về hoạt động dân số và phát triển cùng những băn khoăn, lo lắng cần tháo gỡ.

Qua tìm hiểu thực tế tại 3 tỉnh vùng Tây Bắc cho thấy, các địa phương rất quan tâm và theo sát tình hình, khó khăn trong công tác dân số, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

Cụ thể, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, ngành Dân số tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức được 189 buổi nói chuyện chuyên đề, thảo luận nhóm thu hút hơn 2.864 lượt người nghe; 1.897 lượt tuyên truyền, tư vấn tại hộ gia đình; 24 buổi tuyên truyền, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa nhà trường; 139 buổi truyền thông về tác hại, hệ lụy của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, mất cân bằng giới tính khi sinh; 426 buổi tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về Dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), lợi ích KHHGĐ, các BPTT thu hút hơn 8.129 lượt người nghe…

lai-chau-1.jpg
Hoạt động truyền thông về công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản... tại hộ gia đình ở thị trấn Tam Đường, Lai Châu (tháng 6/2018). 

Đến hết tháng 4/2018, Lai Châu cũng đã tổ chức chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại 43/59 xã và cơ bản hoàn thành theo mục tiêu kế hoạch chiến dịch đề ra. Tập trung triển khai mô hình can thiệp giảm tỷ lệ mắc bệnh tan máu bẩm sinh tại 14 xã, trong đó: huyện Mường Tè 3 xã, huyện Phong Thổ 3 xã, huyện Than Uyên 4 xã, huyện Tân Uyên 4 xã. Tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về nguyên nhân, hậu quả, cách phòng tránh và các biểu hiện của bệnh tan máu bẩm sinh. Vận động các cặp vợ chồng có ý định sinh con, những phụ nữ đang mang thai chủ động tới các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm trước khi mang thai hoặc sinh con.

Thực hiện tầm soát, chuẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh cho 320 phụ nữ mang thai, chẩn đoán phát hiện 23 ca nghi ngờ mắc bệnh hội chứng Down (T21); tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật cho 1.427 cháu trong đó: 221 cháu thực hiện bằng kinh phí chương trình mục tiêu, 839 cháu bằng kinh phí địa phương và 367 cháu thực hiện qua chương trình xã hội hóa. Số trẻ sinh ra được tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trong năm 2017 đạt 119% chỉ tiêu kế hoạch giao...

Tại Lào Cai, các hoạt động thực hiện dịch vụ KHHGĐ cũng đặc biệt được đẩy mạnh. Năm 2017, số cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai (từ nguồn cấp miễn phí do Tổng cục Dân số - KHHGĐ cung cấp và nguồn xã hội hóa) đã đạt 41.045 người (đạt tỷ lệ 107,8%), trong đó đã thực hiện tiếp thị được 18.500 chiếc bao cao su, 18.174 vỉ thuốc tránh thai, 400 chiếc vòng tránh thai…

lao-cai-2.jpg
Hoạt động giám sát, tổ chức thực hiện Nghị định 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách tại Lào Cai đạt nhiều kết quả. Từ tháng 6/2015 đến nay, số phụ nữ được hưởng là là 1.851 đối tượng với số tiền là hơn 3,7 tỷ đồng... 
lao-cai-1.jpg
Hoạt động truyền thông nâng cao chất lượng dân số cho hội viên, phụ nữ xã Tả Phời, TP Lào Cai (tháng 6/2018)

Hoạt động nâng cao chất lượng dân số cũng được Lào Cai đặc biệt chú trọng. Việc sàng lọc trước sinh được 1.121 người (đạt 133%), sàng lọc sơ sinh lần đầu tiên được mở rộng địa bàn với 9/9 huyện, thành phố và thực hiện được 1.710 trẻ, đạt 102% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó phát hiện được 72 ca dương tính lần 1. Tổng số ca đi khám lại lần 2 là 36/72 ca, trong đó có 20 ca đã được tư vấn, theo dõi, điều trị...

Theo ông Đỗ Sỹ Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh Lào Cai: “Hoạt động quản lý, theo dõi sức khỏe người cao tuổi hiện cũng được đặc biệt chú trọng. Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 là lần đầu tiên có giao chỉ tiêu về kế hoạch khám sức khỏe định kỳ tại cộng đồng trong chương trình Dân số và phát triển. Kết quả, tổng số người cao tuổi (60 tuổi trở lên) trong toàn tỉnh khoảng 54.960 người, trong đó được khám sức khỏe định kỳ là 19.983 người, chiếm tỷ lệ 36,4% - vượt chỉ tiêu kế hoạch giao 8%/năm…

Tại Phú Thọ, theo bà Trần Thị Huyền, Chi cục trưởng Chi cục Dân số KHHGĐ - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết: “Công tác dân số được duy trì thực hiện với các biện pháp truyền thông đa dạng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm mức sinh để đạt mức sinh thay thế, giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên; cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã có sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư cho công tác dân số và phát triển; có sự đầu tư trong hoạt động nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, ngăn chặn, kiểm soát các bệnh lây qua đường tình dục nhằm giảm tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh sản…

phu-tho-1.jpg
Buổi làm việc của Đoàn nhà báo là thành viên Câu lạc bộ nhà báo với công tác dân số tại Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh Phú Thọ (6/2018). 

Tuy nhiên, qua quá trình làm việc với Đoàn nhà báo, ngành Dân số của 3 địa phương cũng mạnh dạn đưa ra khó khăn đặc biệt của ngành Dân số hiện nay là vấn đề thay đổi mô hình tổ chức, sắp xếp lại nhân sự...

Trong khi việc sát nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế đã có chủ trương nhưng phía Trung ương lại chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện dẫn đến những xáo trộn, gây tâm tư... cho người làm ngành Dân số.

Qua thực tế khảo sát, tại Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, ngành Dân số đang hoạt động theo những mô hình tổ chức khác nhau. Nếu như Lào Cai là địa phương đã thực hiện xong việc sáp nhập Trung tâm Dân số với Trung tâm Y tế và thực hiện tốt mô hình này; Giám đốc Trung tâm Dân số ít nhất là Phó Giám đốc Trung tâm Y tế và không còn cán bộ chuyên trách dân số mà là viên chức dân số.

Trong khi đó, ngành Dân số Lai Châu vẫn đang trong giai đoạn xây dựng đề án và tại Phú Thọ, công tác dân số vẫn chưa xây dựng kế hoạch thực hiện sáp nhập vào ngành Y tế... 

*Clip bà Trần Thị Huyền (Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh Phú Thọ) và hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, xã hội hóa các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình… 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn