Một người dân trước đây mua sách giáo khoa (SGK) cho trẻ chỉ tốn 50.000-100.000 đồng nhưng nay sẽ phải mua một bộ sách với giá dao động từ 200.000 đến trên 300.000 đồng/bộ, tăng từ 2 đến 4 lần so với trước đây. SGK tiếng Anh hiện được các đơn vị xuất bản để bên ngoài giá bộ sách mới lớp 3, lớp 7, lớp 10 được niêm yết. Trung bình mỗi bộ sách tiếng Anh (gồm SGK, sách bài tập) có mức giá từ 150.000 đến 200.000 đồng. Nếu cộng cả giá SGK tiếng Anh, một bộ SGK mới có giá 400.000-500.000 đồng.
Cùng với học phí tăng, các phụ phí thu trong nhà trường tăng, tiền SGK tăng là khó khăn rất lớn với nhiều người dân. Câu chuyện giá sách mới này lại không được giải trình khi đứng ở góc độ người dân phải gánh chịu mà ở góc độ doanh nghiệp. Vì thế, trao đổi về "sách khổ to, giấy đẹp" thì giá phải cao của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV hồi cuối tháng 5 vừa qua đã gây không ít tranh cãi.
Theo quy định của Luật Giá, giá SGK xã hội hoá do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường; đồng thời thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách.
Rất nhiều nhà giáo dục kinh nghiệm trên thế giới đã chỉ ra rằng sách tham khảo chỉ dùng cho các thầy cô giáo sử dụng để phong phú cho bài giảng của mình. Còn học sinh tiểu học không cần có sách tham khảo. Chính vì vậy nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường…”.
Trích phát biểu của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, tại phiên họp của Quốc hội ngày 2/6
Trước đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một trong các đơn vị xuất bản đã công khai những yếu tố căn cứ để xây dựng giá sách, gồm: Chi phí tổ chức bản thảo (gồm chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm…); chi phí vật tư, công in; chi phí marketing như: giới thiệu, cung cấp sách mẫu; truyền thông.
Trong khi đó, theo các đơn vị xuất bản, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu khâu tổ chức bản thảo phải công phu hơn. Ở khâu in ấn, chi phí đầu vào cao hơn do khổ sách to hơn, giấy đẹp hơn, nhiều hình vẽ, màu sắc hơn, lại tích hợp công nghệ 4.0 để học sinh có thể sử dụng mã code khi mua sách giấy, truy cập sử dụng sách điện tử. Trong bối cảnh cạnh tranh do có nhiều bộ SGK, chi phí marketing cũng tăng chi phí đáng kể.
Trước đây, khi việc xuất bản SGK được độc quyền Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức, nguồn vốn chi phí tổ chức bản thảo do ngân sách Nhà nước cấp và vốn vay Ngân hàng Thế giới. Nhưng hiện tại 100% vốn do doanh nghiệp đầu tư và do doanh nghiệp vay ngân hàng.
Giải trình trước Quốc hội chiều 1/6/2022, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ từng có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị xuất bản khi biên soạn, thẩm định SGK phải bảo đảm yêu cầu tinh gọn, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình. Mọi ngữ liệu, hình ảnh đưa vào SGK phải được khai thác sử dụng trong hoạt động dạy học một cách triệt để. Không được lạm dụng việc gia tăng số trang, hình ảnh, chất liệu và các chi phí sản xuất dẫn tới tăng giá SGK. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (đơn vị trực thuộc) chú ý việc biên soạn sách để dùng được nhiều lần, cung cấp bản PDF của SGK trên mạng miễn phí cho người dân cùng truy cập sử dụng… Tuy nhiên, giữa quy định và thực tế có một khoảng cách do quy trình thẩm định, phê duyệt không chặt chẽ và cương quyết nhằm giảm tối đa chi phí không cần thiết.
Gần đây, cử tri rất quan tâm khi giá bán SGK tăng trong khi cuộc sống của số đông người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19. Phần đông dư luận đều cho rằng, việc tăng giá tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đang đi học, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, thuộc hộ nghèo. Đề nghị Chính phủ căn cứ vào báo cáo của Bộ GD-ĐT sớm có biện pháp hữu hiệu quản lý giá SGK, một mặt hàng rất đặc biệt, thiết yếu. Đồng thời, tránh việc tăng giá tùy tiện, tạo dư luận không tốt trong nhân dân và tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân”.
Trích phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương
Thực tế, việc tích hợp công nghệ 4.0 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chẳng những không giảm chi phí cho người nghèo mà còn "góp phần" đội chi phí sách giấy. Những học sinh mua sách giấy phải chịu mức giá bao gồm cả chi phí để được cung cấp mã code truy cập vào sách điện tử. Trong khi không phải học sinh nào cũng có điều kiện dùng sách điện tử.
Trước phản ứng của dư luận, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, đang chỉ đạo, ban hành một thông tư quy định tiêu chí, quy chuẩn riêng về SGK để điều tiết việc này cụ thể hơn.
Theo Bộ GD-ĐT, từ năm 2020, Bộ đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định. Nhưng hiện nay, việc này vẫn đang được Bộ Tài chính rà soát, chờ báo cáo Quốc hội.
Thiết nghĩ, mặc dù liên quan tới các bộ, ngành khác nhưng Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy, đề xuất việc này. Vì chỉ có đưa vào danh mục định giá thì mới có thể bình ổn được giá sách, chấm dứt tình trạng doanh nghiệp đua nhau làm sách "khổ to, giấy đẹp" bán giá cao.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn