Đây là chia sẻ của bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tại Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng thực hiện lồng ghép giới trong tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội LHPN TPHCM" do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 20/9.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hiện lồng ghép giới trong tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội LHPN cấp tỉnh" năm 2024 của Hội đồng khoa học cơ quan Trung ương Hội.
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, để lồng ghép giới trong văn bản quy phạm pháp luật trước hết phải có thông tin, dữ liệu tách biệt về giới tính. Từ đó mới nhận diện được các chương trình, dự án và tìm giải pháp, xây dựng lồng ghép giới. Nếu không xây dựng được thông tin, dữ liệu tách biệt về giới tính thì không thể nào lồng ghép giới được; và đây đang là vấn đề được đặt ra hiện nay.
"Hiện việc phân tích thông tin, dữ liệu tách biệt về giới tính chỉ hiện diện ở một số lĩnh vực, mặc dù có quy định, thông tư rõ ràng, khi thực hiện đề xuất chương trình, đề án đều phải có đánh giá tác động giới. Tuy nhiên, vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hoặc chương trình, đề án còn rất mờ nhạt", bà Thanh đánh giá và nói thêm rằng hiện có thực trạng, khi tổ chức hội thảo về bình đẳng giới thì đa phần chỉ có phụ nữ tham dự. Đây là thách thức, do vậy phải nâng cao nhận thức cho người đứng đầu đơn vị hiểu đúng, hiểu đủ về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, gần như các sở ngành, địa phương không có cán bộ chuyên trách về bình đẳng giới.
Theo bà Thanh, hiện Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TPHCM có đề án hỗ trợ công chức, viên chức, người lao động của sở cân bằng giữa công việc, trách nhiệm gia đình hướng tới gia đình hạnh phúc. Đề án tập trung lồng ghép giới cho tất cả các nhóm đối tượng ưu tiên, đó là những người có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ mang thai và phụ nữ sinh con; đồng thời cũng quan tâm đến nam giới ly hôn, đơn thân nuôi con. Hy vọng qua đề án sẽ đánh giá được tác động giới sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho các nhóm đối tượng, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Bà Trần Thị Thu Hương, Ban Công tác phía Nam - Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, để thực hiện lồng ghép giới trong tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được tốt thì cán bộ làm công tác về giới phải có nền tảng kiến thức vững, thuần thục các kỹ năng về phân tích giới, đánh giá tác động giới đối với các chính sách; có kỹ năng xây dựng hệ thống số liệu tách biệt giới, tham mưu và vận động chính sách… Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần chú trọng về phê bình, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân làm công tác về giới.
Bà Trịnh Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM cho biết, ngay từ đầu năm, Hội LHPN thành phố đã chủ động có văn bản đề nghị các sở ngành trong quá trình dự thảo các văn bản có liên quan tới phụ nữ, trẻ em gửi đề nghị để Hội phản biện. Bên cạnh đó, khi sở ngành gửi dự thảo có nội dung liên quan thì Hội cũng chủ động làm kế hoạch phản biện, tổng hợp các ý kiến để gửi về sở ngành. Cụ thể vừa qua, Hội tích cực cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tham gia phản biện bảng giá đất mới.
Bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN Việt Nam cho biết, một trong những nguyên tắc trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đó là đảm bảo lồng ghép ghép giới trong toàn bộ quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đã được cụ thể hóa trong các điều luật.
Những ý kiến tại hội thảo là thông tin đầu vào hữu ích để giúp Hội có thông tin trong quá trình đưa các nội dung liên quan đến việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện xuyên suốt trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn