Vấn đề phụ nữ và quyền phụ nữ Việt Nam từ chính sách, pháp luật đến thực tiễn hiện nay

07:30 | 02/09/2023;
Ở mỗi quốc gia, phụ nữ chiếm trên dưới một nửa dân số và luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển. Do vậy, vấn đề phụ nữ và quyền phụ nữ từ lâu luôn là mối quan tâm không nhỏ của toàn cầu.

Ở Việt Nam, với truyền thống yêu nước, cần cù lao động sáng tạo, phụ nữ đã đóng vai trò hết sức to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước, là động lực quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của xã hội Việt Nam. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Phụ nữ ta chẳng tầm thường/Đánh Đông, dẹp Bắc, làm gương để đời"; "Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ", do vậy, theo Người "nam nữ phải bình quyền" không chỉ thể hiện trong quan điểm, đường lối, chính sách luật pháp, mà quan trọng hơn là phải được thực hiện trên thực tế.

1. Thấm nhuần và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn kiện, nghị quyết, chính sách, pháp luật, nghị định khẳng định và bảo vệ quyền của phụ nữ. 

Cách mạng tháng Tám thành công, vấn đề phụ nữ và quyền phụ nữ đã được bàn thảo ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (3/9/1945) (1). Từ đó đến nay, vấn đề phụ nữ, quyền phụ nữ luôn được quan tâm và được luật hóa ngày càng đầy đủ.

Hiến pháp năm 1946 đã đề cập: "…Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam" và, "đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện". Tinh thần này tiếp tục được ghi nhận và bổ sung rõ hơn trong những bản Hiến pháp năm 1959 (Điều 24); Hiến pháp năm 1980 (Điều 59); Hiến pháp năm 1992 (Điều 63), nhất là Hiến pháp năm 2013 (từ Điều 14 đến Điều 49). 

Cụ thể hóa các điều khoản trong Hiến pháp, đến nay, Việt Nam đã có nhiều bộ luật bảo vệ quyền phụ nữ: Luật Hôn nhân và gia đình; Luật bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Lao động, Luật dân sự, Luật đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội…

Để phù hợp với các công ước quốc tế và tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW), 

Tuyên bố Thiên niên kỷ và các chiến lược, kế hoạch hành động của Liên hợp quốc, ASEAN; ban hành các Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 và giai đoạn 2021-2030.

Các văn bản luật, chính sách, nghị quyết… nêu trên đều khẳng định với tư cách công dân, phụ nữ có quyền bình đẳng (quyền chính trị, quyền dân sự, quyền về kinh tế, lao động và việc làm; quyền về văn hóa, giáo dục; quyền liên quan đến tố tụng, tư pháp…). 

Với tư cách là người mẹ, người vợ, phụ nữ có quyền ưu tiên được tạo điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội (được bảo hộ hôn nhân và gia đình, quyền lợi của người mẹ và trẻ em; được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện kế hoạch hóa gia đình); loại trừ tất cả các hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ về mọi mặt, tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

2. Trên cơ sở các quy định của luật pháp, vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam trong mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội ngày càng được nâng lên, có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, xã hội. Phụ nữ Việt Nam đang tỏ rõ vai trò quan trọng đặc biệt của mình. 

Phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý, lãnh đạo cấp cao: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; hiện có 5 Bí thư Tỉnh ủy là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV đạt 30,26%, đứng vị trí thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á. 

Phụ nữ tham gia phát triển kinh tế ngày càng nhiều. Đội ngũ nữ doanh nhân chiếm 26,5% tổng số doanh nghiệp. Nhiều phụ nữ đã được Nhà nước trao tặng những danh hiệu cao quý như giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo/thầy thuốc/nghệ sĩ nhân dân, nhà giáo/thầy thuốc/nghệ sĩ ưu tú (2)… 

Dù trong hoàn cảnh nào, phụ nữ luôn là người mẹ hiền, vợ thảo, là điểm tựa tinh thần, gắn kết yêu thương và chia sẻ trách nhiệm chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam.

Phụ nữ Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước cả trong luật pháp cũng như trên thực tế để phụ nữ ngày càng được bình đẳng với nam giới, được tỏa sáng trong gia đình và ngoài xã hội, là lực lượng quan trọng phát triển đất nước. 

Tuy nhiên, hiện nay, trong xây dựng, nhất là trong triển khai luật về quyền của phụ nữ vào thực tiễn đang còn những hạn chế, bất cập. Vẫn còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong một số điều khoản về quyền phụ nữ ở một số bộ luật; việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật chưa kịp thời; một số chính sách, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không đồng bộ, gây bất lợi cho phụ nữ; một số quy định còn mang tính định tính, khó định lượng; điều kiện (tài chính, con người, dữ liệu…), cơ chế (thưởng, phạt…) bảo đảm thực hiện quyền của phụ nữ còn hạn hẹp...

Những bất cập nêu trên đang tạo ra "độ vênh" không nhỏ giữa luật pháp, chính sách và thực tiễn thực hiện quyền của phụ nữ, là rào cản lớn ảnh hưởng tới tính nhân văn, tốt đẹp trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về "nam nữ bình quyền", hạn chế sự đóng góp, phát triển của 50% dân số cả nước… rất cần có những giải pháp khắc phục. 

Đây là trách nhiệm trước hết của các cơ quan Nhà nước (từ xây dựng chính sách, luật pháp đến triển khai vào thực tiễn) (3); là sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, người dân (giám sát, phản biện việc xây dựng, ban hành cũng như thực hiện chính sách, luật pháp), trong đó sự tham gia tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các nhà khoa học nữ trên các lĩnh vực và bản thân mỗi người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng.

------

(1) Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó "phải có một hiến pháp dân chủ". Người đề nghị Chính phủ "tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống.

(2) Dẫn theo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. H.3/2022

(3) Tại Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam (15-10-2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, trong đó lưu ý chính sách đặc thù dành riêng cho phụ nữ trên nhiều lĩnh vực. Nguồn: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-nghien-cuu-cac-chinh-sach-dac-thu-danh-rieng-cho-phu-nu-102221015132816564.htm, ngày 15-10-2022.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn