Vận dụng kinh nghiệm công tác Hội để làm công tác văn hóa gia đình

15:38 | 28/12/2021;
Đã chuyển sang ngành văn hoá được hơn 2 năm nhưng trong câu chuyện của mình, chị Lê Thị Mỹ Tiên, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Châu Phú (tỉnh An Giang), vẫn còn nhiều kỷ niệm với công tác Hội.

Chị Mỹ Tiên chia sẻ: "Tôi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Thạnh Trung từ năm 2010, rồi làm Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Phú. Đến năm 2019, tôi được bổ nhiệm Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Châu Phú. Tôi thấy mình may mắn vì có nhiều năm gắn bó với công tác Hội nên thế mạnh của tôi cũng là công tác văn hóa gia đình".

Chị Tiên kể, công việc của cán bộ Hội phụ nữ là đi từng hộ, từng gia đình hội viên để tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Hơn 2 năm qua, chị làm cán bộ ngành văn hoá, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND huyện quản lý nhà nước về văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao...

Có một điều khác biệt giữa hai vị trí công tác là đối tượng tiếp cận khác nhau. Khi làm công tác Hội phụ nữ, nhiều năm chị tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", đối tượng tiếp cận đều là hội viên phụ nữ. Chị em dễ cảm thông, chia sẻ với nhau. Khi sang ngành văn hoá, đối tượng tiếp cận có cả nam và nữ. Do đó, cách giao tiếp phải thay đổi. Thái độ và lời nói phải thận trọng, phù hợp với từng đối tượng. Các nội dung tuyên truyền phải mở rộng hơn, phù hợp với cả nam và nữ ở nhiều lứa tuổi.

Chị Mỹ Tiên chia sẻ, ban đầu, khi mới tiếp cận công việc mới, chị cũng gặp chút khó khăn. Nhưng với những kinh nghiệm dân vận từ khi còn là cán bộ Hội phụ nữ, chị biết địa phương nào có người có uy tín, được bà con tin tưởng. Chị đã nhờ họ tuyên truyền, vận động người dân những ngày đầu. Họ cũng chính là tuyên truyền viên tích cực cho công tác văn hóa đến bây giờ.

Để tuyên truyền thành công công tác gia đình năm 2021, trong đó có Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, đến với người dân trên địa bàn, các chị đã in tờ rơi, sau đó cung cấp cho các xã, thị trấn, các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững" và câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc" làm tài liệu tuyên truyền.

Tùy từng địa phương mà cán bộ văn hóa triển khai tuyên truyền kỹ hơn về nội dung Bộ tiêu chí ứng xử này. Ví dụ, địa phương còn xảy ra bạo lực gia đình thì tập trung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình. Nơi còn xảy ra mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu sẽ có tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc hay cách giải quyết mâu thuẫn trong gia đình...

Với những gia đình có sự khác biệt thế hệ thì các chị mời những gia đình có từ 3 thế hệ sinh sống tham gia câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc" để chia sẻ về cách nuôi dạy con, dung hòa các mối quan hệ trong gia đình... Ngoài ra, các chị còn tổ chức "Hội thi cán bộ phụ trách công tác gia đình giỏi" của năm, hái hoa dân chủ, khiêu vũ, hiểu ý đồng đội...

Vào ngày 28/6 vừa qua, các chị tổ chức kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam với chủ đề "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình", các chủ đề khác cũng được gắn với các sự kiện như: Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ... Từ đó, nội dung "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" tiếp tục được tuyên truyền tại các câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững" và "Gia đình hạnh phúc" tại các địa phương.

Chị Mỹ Tiên cho biết, khi các đợt dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, công tác tuyên truyền văn hóa gia đình bị ảnh hưởng do không thể tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ, tổ nhóm. Do đó, trong những lần đi tuyên truyền, kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các xã, thị trấn, các chị thường lồng ghép tuyên truyền về việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, giải đáp những thắc mắc, khó khăn nảy sinh ở các gia đình. Bên cạnh đó, các chị còn tuyên truyền trên đài phát thanh, các tờ rơi, chia sẻ qua các ứng dụng trên điện thoại di động... để thực hiện tốt "Bộ tiêu chí ứng xử văn hóa trong gia đình" mùa dịch.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn