Đám cưới của ông Thư - bà Nhã từng gây bao luồng dư luận trái chiều trong làng, ngoài xóm. Thanh niên ngưỡng mộ, học theo, người già thì lắc đầu chê cười... Nhưng sau 3 năm, mọi người đều nhận thấy, những tình cảm chắp nối muộn mằn của họ là những rung động thực sự, những yêu thương chân thành.
Thời trẻ, ông Thư và vợ cũ là thanh niên xung phong thời chống Mỹ cứu nước, về mất sức. Ông tham gia đội văn nghệ xóm, bà tham gia hội phụ nữ, trong xóm ngoài làng ai cũng yêu quý. Hơn 20 năm, ông bà có 2 trai, 2 gái, đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành.
Nhưng bà mắc bệnh phổi tắc nghẽn, lúc nào cũng chỉ nghĩ nếu khuất đi thì 4 đứa con sẽ phải chịu cuộc sống dì ghẻ con chồng vì ông mới 41 tuổi. Ông hiểu lòng bà, hứa sẽ ở vậy nuôi con.
Bà qua đời vào một đêm mưa phùn gió bấc. Đằng đẵng 27 năm, ông ở vậy nuôi 4 con ăn học.
Các con ông trưởng thành, ai cũng có công ăn việc làm ổn định nhưng đều công tác xa nhà và phải chăm lo cho gia đình nhỏ bé của mình. Con gái ông thương bố chăn đơn gối chiếc nên chủ động tìm “bạn đời” cho bố.
Bà Nhã góa chồng hơn chục năm nay. Trong làng, ngoài xóm đã có nhiều đám đánh tiếng. Nhưng 2 con đã trưởng thành, bà vui với cuộc sống đi bế cháu giúp các con, không muốn bước vào một thế giới phức tạp của một dòng họ mới. Nhưng khi con gái ông Thư sang tâm sự với bà, mong ông bà dành thời gian tìm hiểu nhau, bà bỗng muốn tìm kiếm cuộc sống mới thực sự cho mình.
Đám cưới lần hai của cả hai ông bà được tổ chức hoành tráng. Hôm rước dâu có 9 ô tô hạng sang, xe máy không đếm xuể vì ông Thư vào hội mô tô của huyện. Họ hàng làng xóm của “bà dâu” lác hết cả mắt vì bà 62, ông 68 tuổi. Hội hôn cũng tưng bừng nhạc sống, loa đài mở hết cỡ, hát hò nhảy múa rộn ràng. Sau một hồi, người dẫn chương trình mới giới thiệu chú rể trao nhẫn cho cô dâu rồi hô to “hôn nhau đi”. Ai ngờ, ông bà hôn nhau thật.
Cả hội trường vỗ tay giòn như pháo nổ. Nhưng các cụ già thì phản ứng ra mặt. Người thì nói: “Già rồi còn đú đởn, đúng là... cà chớn”. Người bảo: “Voi đú, chuột chù cũng nhảy cẫng”. Người gióng giả: “Thuyền đua thì lái cũng đua, thấy người đau đẻ thì cũng ngoi lên giường. Mình nhiều tuổi rồi còn bắt chước bọn trẻ, thật chẳng ra làm sao”. Có bà còn đọc: “Chắt ơi chắt ở nơi đâu? Chắt ra chắt đón cụ dâu vào buồng”.
Nhưng cuộc sống sau đám cưới của họ đã thuyết phục tất cả mọi người. Ông 4 con 7 cháu, bà 2 con 5 cháu đều đoàn kết, yêu quý nhau như người một nhà. Hai ông bà chăm nhau như những cặp đôi trẻ.
Cuối tuần nào, ông cũng đưa bà ra quán cà phê hồ phố huyện, gọi cho bà 1 quả dừa tươi, rồi cùng ngồi ngắm hoàng hôn, nhìn phố phường tấp nập, đông đúc trở về nhà sau 1 tuần làm việc hối hả. Hàng ngày, ông bà dắt nhau đi tập thể dục, người chạy, người tập dưỡng sinh, cuối buổi nào, bà cũng cầm cái khăn bông màu hồng thấm thấm mồ hôi cho ông.
Giờ ông bà vẫn là những nòng cốt đội văn nghệ làng. Hầu như tháng nào cũng đi biểu diễn chào mừng, khai trương. Cả đội văn nghệ học theo ông bà vì họ vẫn xưng hô anh - em ngọt ngào như những cặp đôi trẻ. Mỗi lần không thống nhất ý kiến trong việc đội, ông bà vẫn tranh luận với nhau nhưng vẫn một điều “anh xem, em có thấy”.
Mỗi mùa cần sắm quần áo mới, hai ông bà vẫn dắt nhau cùng đi chọn. Ông vẫn thích đồ sáng màu, bà thích hoa nhí màu vỏ đỗ, vàng mơ, hồng phai, tím nhạt, xanh trứng sáo.
Mùa hè, đại gia đình nhà ông bà luôn tổ chức một kỳ nghỉ gia đình. Riêng kỳ nghỉ này được ông bà bao trọn gói vì tiền chi tiêu hàng ngày các con cháu biếu ông bà tiêu rủng rỉnh không hết.