Cách Hà Nội khoảng 170km theo hướng Tây Bắc, Vân Hồ là huyện miền núi thuộc tỉnh Sơn La với thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ và cộng đồng những đồng bào dân tộc thiểu số thân thiện, nồng ấm. Vân Hồ còn là cái nôi màu mỡ của nhiều đặc sản Tây Bắc trứ danh, trong số đó không thể không nhắc đến gạo Tẻ Râu - thứ gạo thơm, dẻo, ngọt đẫm, nhưng lại đặc biệt "kén đất, khó trồng". Những năm gần đây, gạo Tẻ Râu có thể được tìm thấy nhiều tại bản Bướt (xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ) - điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến Hành trình Tây Bắc.
Ghé thăm gia đình anh Nguy - chị Lan tại bản Bướt, Phan Anh Esheep đã có dịp được tìm hiểu cặn kẽ về loại gạo Tẻ Râu cũng như quy trình canh tác giống lúa này. Anh Nguy chia sẻ, giống gạo này đã từng được trồng tại bản từ lâu nhưng đã bị thay thế bằng những giống khác trong một khoảng thời gian khá dài, và bản mới chỉ khôi phục lại trồng lúa Tẻ Râu gần đây thông qua dự án "Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển hệ thống thị trường gạo đặc sản", trong khuôn khổ Chương trình GREAT do chính phủ Úc tài trợ, hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp và miền núi (ADC). Dự án không chỉ hỗ trợ vốn, hướng dẫn những kỹ năng canh tác hữu cơ, mà còn đảm bảo bao tiêu toàn bộ thành phẩm đầu ra. "Từ khi chúng tôi trồng lúa Tẻ Râu, đời sống tại bản đã thay đổi hoàn toàn. Lúa Tẻ Râu này bán ra thị trường được giá cao gấp đôi so với các loại gạo truyền thống!", chị Lan cho biết.
Một trong những mô hình phát triển kinh tế phụ nữ dân tộc thành công khác đến từ Chương trình có thể được tìm thấy tại bản Tưn, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, vốn sở hữu thế mạnh kinh tế đến từ những rừng tre tự nhiên. Đón chào Hành trình Tây Bắc tới ghé thăm HTX Măng sạch Xuân Nha do GREAT cùng Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) thành lập, chị Hà Thị Huế - Phó Giám đốc HTX hào hứng giới thiệu về những sản phẩm đặc sản từ măng rừng được các chị em trong bản dày công chế biến đa dạng và đóng gói chuyên nghiệp, cùng với những cơ sở, máy móc hiện đại. Từ chỗ chỉ đơn thuần bán măng khô, măng tươi, bước cải tiến này vừa giúp tăng năng suất, giá trị nông sản, vừa giúp tạo thêm việc làm và thu nhập cho phụ nữ trong bản. Các sản phẩm nay còn có cơ hội tiến sang những thị trường quốc tế khó tính như Đài Loan (Trung Quốc) hay Nhật Bản, với sản lượng xuất khẩu lên đến hơn 7 tấn.
Đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, giàu có về bản sắc văn hóa, Vân Hồ có đủ nguồn tư liệu để tự "đúc kết" cho mình một thứ tài nguyên màu mỡ khác: Du lịch. Điểm đến tiếp theo trong chuyến Hành trình Tây Bắc là bản Nà Bai, nơi mô hình du lịch cộng đồng dưới dạng thức homestay được thực hiện bởi tổ chức Action on Poverty Việt Nam, dưới sự tài trợ của Chương trình GREAT.
Mới tham gia dự án được 2 năm, bản đã thiết lập được một hệ thống homestay chỉn chu, chuyên nghiệp, cùng lộ trình thăm quan giàu giá trị văn hóa: từ những bữa cơm đầy ắp đặc sản cho đến những lễ hội truyền thống khi màn đêm buông. Trên hết, cả bản đều đồng ý phát triển du lịch cộng đồng là một "quyết định đúng đắn", không chỉ giúp nâng cao thu nhập của người dân bên cạnh những nguồn thu truyền thống, mà đây còn là nguồn "vốn liếng" bền vững, khuyến khích người dân bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc của riêng vùng miền, dân tộc mình.
Có thể thấy, những dự án phát triển nguồn lực kinh tế đã và đang trở thành những bệ phóng quý giá, giúp phụ nữ dân tộc có thêm niềm tin, động lực để nâng cao giá trị nông sản, du lịch địa phương, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình. Hình ảnh những người phụ nữ được chồng gói cơm cho một ngày lao động vất vả, hay những đội bóng đá nữ dành thời gian rảnh để hăng say rèn luyện thể thao, nụ cười luôn hiện hữu trên môi là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của những sản phẩm nông nghiệp trong hành trình tìm lại giá trị bản thân của những người phụ nữ nơi đây.
Hành trình Tây Bắc là chuỗi video khám phá văn hóa & ẩm thực vùng Sơn La và Lào Cai do dự án GREAT - một sáng kiến do chính phủ Úc tài trợ, triển khai. Với sự đồng hành của food blogger Phan Anh Esheep, Hành trình Tây Bắc được kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá về về các điểm đến du lịch cộng đồng, những nơi có tiềm năng phát triển bền vững ngành du lịch và các sản vật nông nghiệp tại tỉnh Lào Cai và Sơn La.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn