Văn học sử-luồng gió mới cho thị trường giải trí Việt

07:15 | 10/06/2020;
Những năm gần đây đã xuất hiện nhiều tác phẩm điện ảnh và âm nhạc có nguồn cảm hứng sáng tác từ chất liệu lịch sử và văn học. Nhiều tác phẩm văn học và những sự kiện lịch sử trở nên gần gũi hơn với thế hệ trẻ khi được các nghệ sĩ sáng tạo qua lăng kính văn hóa giải trí.

Từ những dự án điện ảnh gây chú ý

Thiên mệnh anh hùng (2012) của đạo diễn Victor Vũ được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn. Với những chi tiết, nhân vật có thật trong lịch sử đan xen hư cấu, bộ phim xoay quanh vụ thảm án Lệ Chi Viên năm Nhâm Tuất (1442) khiến quan đại thần Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Nguyên Vũ (Huỳnh Đông) là hậu duệ duy nhất còn sống sót, được một thiền sư nuôi nấng và dạy võ nghệ. 12 năm sau, Nguyên Vũ trưởng thành trở thành một chàng trai khôi ngô, tinh thông võ nghệ; chàng quyết tâm trả thù kẻ đã hại gia tộc và minh oan cho dòng họ.

Trò đời (2013) là một dự án phim truyền hình của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam VFC phối hợp với hãng phim Hội Điện ảnh. Bộ phim được xây dựng dựa trên bốn tác phẩm của "ông vua phóng sự đất Bắc" Vũ Trọng Phụng gồm Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây và Ánh sáng kinh thành. Trò đời khắc họa bức tranh chân thực về xã hội Việt Nam những năm trước 1945, qua đó tái hiện số phận người nông dân sống trong cảnh bần cùng, tha hóa và bị cám dỗ bởi phồn hoa chốn thị thành.

Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016) là đứa con tinh thần của đạo diễn – nhà sản xuất Ngô Thanh Vân được ra mắt vào năm 2016. Mặc dù mượn ý tứ và cốt truyện từ câu chuyện cổ tích quen thuộc Tấm Cám với người dân Việt Nam nhưng bộ phim với nhiều điểm mới lạ và sáng tạo đã thu hút một lượng lớn khán giả đến rạp. Ngoài ra, trang phục cũng là một điểm sáng tạo trong phim khi xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong cổ tích dân gian và lồng ghép vào đó nét đẹp thời trang đương đại. Ngoài ra, Tấm Cám: Chuyện chưa kể còn làm mãn nhãn người xem khi giới thiệu những cảnh đẹp ở Ninh Bình từ cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính cho đến cảnh sông nước hữu tình hay cánh đồng lúa chín vàng.

Cảnh trong phim “Phượng khấu”

Cảnh trong phim “Phượng khấu”

 

Phượng khấu (2020) là một bộ phim cung đấu Việt Nam của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh với thể loại dã sử cổ trang, được phát độc quyền trên ứng dụng giải trí POPS vào đầu tháng 3/2020. Bộ phim lấy bối cảnh hậu cung thời Nguyễn, xoay quanh cuộc đời có thật của Từ Dụ Hoàng thái hậu (bà Phạm Thị Hằng) - một trong những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất triều Nguyễn. Ngoài sự đầu tư về trang phục, bộ phim còn có sự góp mặt của dàn diễn viên gạo cội như NSƯT Thành Lộc, NSND Hồng Vân, NSƯT Lê Thiện, nghệ sĩ Hồng Đào… Phượng Khấu không chỉ giúp khán giả có cái nhìn trực quan về các câu chuyện thâm cung bí sử hay bối cảnh xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn mà còn tái hiện phục trang cổ đại truyền thống của nước Việt ta thời xưa.

Cậu Vàng (sắp ra mắt) là dự án điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm Lão Hạc của nhà văn Nam Cao do Trần Vũ Thủy đạo diễn. Bộ phim có sự góp mặt của nghệ sĩ Viết Liên, NSƯT Chiều Xuân, Băng Di, Will, Trần Lê Nam, NSƯT Hữu Châu… Phim dự kiến ra mắt trong năm nay.

Kiều (sắp ra mắt) là một bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du. Vì thời gian có hạn của một phim điện ảnh, nhà sản xuất Mai Thu Huyền cho biết Kiều sẽ tập trung khai thác một giai đoạn trong cuộc đời nhân vật thay vì cuộc đời suốt 15 năm của nàng. Phim điện ảnh Kiều đã chính thức bấm máy vào tháng 4/2020.

Đến những tác phẩm âm nhạc

Bánh trôi nước (2016) là ca khúc do nhạc sĩ Hồ Hoài Anh phổ nhạc dựa trên bài thơ cùng tên của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, ra mắt vào năm 2016 do Hoàng Thùy Linh trình bày. Bước ra từ tác phẩm văn học nổi tiếng của "Bà chúa thơ Nôm", ca khúc không chỉ khiến khán giả mãn nhãn trước cảnh đẹp của ba miền đất nước Việt Nam mà quan trọng hơn hết còn là một thước phim thể hiện tinh thần nữ quyền cùng những phẩm chất quý giá, cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua từng câu từ, nốt nhạc.

Bống bống bang bang (2016) được sáng tác bởi Only C và do nhóm nhạc 365 Daband trình bày. Đây là một trong những ca khúc nhạc phim trong bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Có thể nói Bống bống bang bang là phiên bản phổ nhạc của câu chuyện cổ tích Tấm Cám với chất liệu âm nhạc vui vẻ, bắt tay kết hợp điệu nhảy trẻ trung và trang phục đậm màu sắc dân gian được lấy cảm hứng từ những nhân vật được yêu thích trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt như Trạng Tí, Dần Béo, Cả Mẹo... Bống bống bang bang nhận được sự ủng hộ tích tực không chỉ từ các fan yêu âm nhạc mà còn cả những khán giả nhí. Hiện tại ca khúc đã có gần 460 triệu lượt xem trên Youtube.

Hoàng Thùy Linh hóa thân vào nhân vật Mị trong ca khúc “Để mị nói cho mà nghe”

Hoàng Thùy Linh hóa thân vào nhân vật Mị trong ca khúc “Để mị nói cho mà nghe”

 

Để Mị nói cho mà nghe (2019) là một ca khúc nữa bén duyên với văn học của Hoàng Thùy Linh. Ca khúc như một làn gió mới thổi vào thị trường âm nhạc Việt bởi sự kết hợp giữa phong cách và cảnh đẹp mang đậm chất núi rừng Tây Bắc cùng với giai điệu tươi trẻ, yêu đời và tràn đầy sức sống, năng lượng. Hoàng Thùy Linh hóa thân thành nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Với sức sống mãnh liệt, Mị vượt không gian và thời gian cứu giúp chị Dậu, lão Hạc, chị em Thúy Kiều… thoát khỏi cuộc sống bế tắc. Ngoài ra, MV còn giới thiệu đến khán giả về trang phục độc đáo của người Mông và trò chơi dân gian vùng cao.

Anh ơi ở lại (2019) do Đạt G sáng tác và ca sĩ Chi Pu thể hiện. Đây là một MV lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám, nhưng được tiếp cận từ góc nhìn mới mẻ và đầy sáng tạo của cô Cám – nhân vật phản diện vì yêu mà "mặc kệ đúng sai". Xuyên suốt MV là câu chuyện về tình yêu. Đó là tình yêu cố chấp đến mù quáng của Cám khiến ta không khỏi xót xa. Tình yêu thủy chung, trước sau như một của Hoàng thượng làm ta cảm động. Tình yêu tinh khôi, thuần khiết của Tấm cho ta sự trọn vẹn như mối tình đầu. Bên cạnh đó, tình yêu đơn phương, thầm lặng của thị vệ phần ngoại truyện cũng để lại trong ta không ít lắng động. Ngoài đầu tư về nội dung, MV Anh ơi ở lại cũng là một sự kết hợp rất chỉnh chu giữa âm nhạc và trang phục truyển thống của người phụ nữ Việt Nam từ áo tứ thân, nón quai thao, guốc gỗ, hài gấm đến phần tóc của Chi Pu cũng được vấn theo lối Bắc Bộ ngày xưa.

Hết thương cạn nhớ (2019) là ca khúc được thể hiện bởi Đức Phúc, phát hành vào năm 2019. MV mượn ý tưởng từ tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, nhưng được khai thác ở khía cạnh mới mẻ - mối tình đơn phương của Lý Cường (con Bá Kiến) dành cho Thị Nở từ nhỏ. Mặc cho tình yêu chân thành, mãnh liệt của chàng trai giàu có Lý Cường, tình cảm Nở dành cho Phèo vẫn một mực chung thủy, trước sau không hề thay đổi. Ngoài việc khắc họa chân thực tình yêu chung thủy của người phụ nữ Việt Nam, tái hiện lại tình cảnh thống khổ, áp bức của người nông dân trước cách mạng tháng Tám, MV Hết thương cạn nhớ cũng đã thành công thể hiện bối cảnh chính ở làng quê Bắc Bộ thời bấy giờ với những khu chợ nghèo, căn nhà mái lụp xụp, ruộng đồng, cây rơm, bó rạ, khói phủ như sương giăng và đặc biệt là gợi nhớ một sự kiện đau thương trong lịch sử dân tộc – nạn đói năm 1945 khiến 2 triệu người chết.

Không thể cùng nhau suốt kiếp (2020) là MV do Hòa Minzy thể hiện lấy bối cảnh thời Nguyễn và dựa trên câu chuyện tình có thật của Nam Phương Hoàng hậu và Hoàng đế Bảo Đại – vị Hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. MV tập trung khai thác mối tình hoàng tộc đầy truân chuyên của người phụ nữ xinh đẹp, thông minh Nguyễn Hữu Thị Lan và vị Hoàng đế phong lưu, đa tình bậc nhất lịch sử Việt Nam trong khoảng thời bà sống tại cung An Định cùng các con và dựa trên góc nhìn suy tư của Nam Phương hoàng hậu khi biết chồng "hái hoa bắt bướm" bên ngoài. Ngoài ra, MV còn đưa khán giả chiêm nghưỡng vẻ đẹp của Quần thể di tích Cố đô Huế như Đại Nội, Cung An Định hay dòng sông An Cựu – các địa điểm mang dấu ấn và giá trị lịch sử đối với Việt Nam. Đặc biệt, chất liệu lịch sử trong MV còn nhắc nhớ đến cột mộc quan trọng trong cách mạng Việt Nam: Cách mạng tháng Tám thắng lợi, vua Bảo Đại thoái vị và nhận lệnh ra Hà Nội trở thành Cố vấn tối cao của chính phủ.

Những ca khúc và phim ảnh đậm chất văn học sử Việt vươn ra thế giới

Tháng 1/2020 Netflix cho hay đã đạt được thỏa thuận với đối tác BHD. Qua đó, 6 bộ phim điện ảnh Việt sẽ được chiếu trên Netflix phục vụ khán giả Việt ở nước ngoài, đồng thời đây cũng là dịp để bạn bè quốc tế có cơ hội thưởng thức thêm nhiều tác phẩm của điện ảnh Việt Nam. Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ là một trong 6 bộ phim được chiếu trên Netflix.

Tấm Cám: Chuyện chưa kể của nữ đạo diễn Ngô Thanh Vân một lần nữa khẳng định vị thế của mình khi được mời tham dự hạng mục Cửa sổ điện ảnh châu Á trong Liên hoan phim quốc tế Busan 2016 tại Hàn Quốc. Ngoài ra, bộ phim cũng được Công ty phát hành Kidari Ent của Hàn Quốc mua bản quyền để phát hành tại thị trường Hàn Quốc sau thời gian công chiếu tại Việt Nam.

Năm 2019, đại diện Việt Nam – á hậu Tường San đã tự tin thể hiện vũ điệu Để mị nói cho mà nghe với trang phục sặc sỡ sắc màu của cô gái dân tộc Mông trong phần thi tài năng của cuộc thi Hoa hậu quốc tế. Bằng bản lỉnh, tự tin và tài năng của mình Tường San đã góp phần quảng bá hình ảnh một Việt Nam với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Năm 2016, nhóm nhảy Urban Clown của Việt Nam khi tham gia Astro Battle Ground 2016 (giải đấu hip hop hàng đầu châu Á) tại Malaysia đã sử dụng nhạc trình diễn là ca khúc Bánh trôi nước. Người xem cũng như khán giả Việt Nam không khỏi tự hào khi một tác phẩm mang đậm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam được vang lên trên sân khấu bạn bè quốc tế.


Ảnh: Hoàng Thùy Linh hóa thân vào nhân vật Mị trong ca khúc "Để mị nói cho mà nghe"

Cảnh trong phim "Thiên mệnh anh hùng"

Cảnh trong phim "Phượng khấu"

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn