Văn Miếu tuyển lựa 60 'ông đồ' cho Hội chữ xuân Kỷ Hợi

08:54 | 23/01/2019;
Tục xin chữ, xin câu đối và cho chữ (viết thư pháp) là một nét đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc. Bởi vậy, ngoài mong ước về may mắn tài lộc cho năm mới, người xin chữ còn tìm đến ông đồ để cảm nhận được sự tài hoa của nghệ thuật thư pháp, của những nét bút như “phượng múa rồng bay”.
Bởi vậy, cuộc thi Khảo tuyển người viết chữ tại Hội chữ Xuân Kỷ Hợi năm 2019 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) để tìm ra người viết chữ "có tâm, có tầm" là hết sức cần thiết.
 
Theo đó, Ban tổ chức đặt chỉ tiêu tuyển chọn 60 người, trong đó chỉ tiêu đã cấp là 23 người (người trúng khảo tuyển 3 năm, khách mời, thành viên Ban Khảo tuyển, Ban Tổ chức); chỉ tiêu khảo tuyển năm 2019 là 37 người (Thư pháp chữ Hán Nôm: 29 người, Thư pháp chữ Quốc ngữ: 8 người).
 
img0342-1518330331814508916481.jpg
Đối tượng tham dự cuộc thi năm nay chủ yếu là thành viên của các CLB thư pháp trên địa bàn Hà Nội
 
 
BTC cho biết, quá trình khảo tuyển bao gồm 2 phần. Phần 1 là văn phạm, dành cho thư pháp Hán Nôm với nội dung kiểm tra kiến thức chữ nghĩa Hán Nôm cơ bản; đối với thư pháp Quốc ngữ, người dự tuyển phải giải nghĩa một đoạn văn bia Tiến sĩ theo chủ đề “Văn hiến”.
 
Phần thứ 2 là thực hành, Ban khảo tuyển kiểm tra trình độ thư pháp của các “ông đồ”. Trong đó, có nội dung về tính liên kết và lô-gic của nội dung, hình thức tác phẩm, kỹ năng viết, bố cục, đường nét, ấn chương… tạo nên một tác phẩm thư pháp với chính thể về hình thức và nội dung. Bên cạnh đó, Ban khảo tuyển cũng kiểm tra cả khả năng thực tế phục vụ nhân dân được thể hiện trên bề mặt tác phẩm thư pháp thông qua yêu cầu cụ thể về nội dung.
 
Chia sẻ về đối tượng tham gia và tiêu chí chọn người xuất sắc trong số những người dự thi của BTC, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: Đối tượng tham dự cuộc thi năm nay đều là thành viên của các CLB thư pháp trên địa bàn Hà Nội và những người tự do không thuộc CLB nào, họ biết thông tin thì đến đăng ký và dự tuyển trên tinh thần hết sức công khai, minh bạch và không có trường hợp ngoại lệ nào, tinh thần thi cử hết sức nghiêm túc.
 
"Về tiêu chí chọn người, BTC muốn chọn người có trình độ nhất định về Hán Nôm hoặc Quốc ngữ. Tiêu chứ thứ hai là trình độ kỹ thuật thư pháp, viết chữ thư pháp và đặc biệt, tiêu chí thứ ba là nhân thân người tham gia, tức là những người không vi phạm quy định của Hội chữ Xuân. Đó là những tiêu chí BTC đặt ra. Qua 2 vòng thi văn phạm và viết thư pháp, BTC đã chọn ra những người xứng đáng và đủ điều kiện để vào trong Hồ Văn, hội chữ Xuân" - Ông Lê Xuân Kiêu cho biết.
 
Thêm vào đó, ông Lê Xuân Kiêu cũng chia sẻ rằng, cuộc thi khảo tuyển người viết chữ tại Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 không chọn giải Nhất nhì, không chọn người điểm cao hay thấp mà chỉ chọn những người đủ điều kiện vào viết chữ tại Hồ Văn trong hội chữ Xuân mà thôi.
 
Đánh giá chung về mặt bằng các tác phẩm dự thi năm nay, ông Lê Xuân Kiêu khẳng định, tất cả đều đạt những yêu cầu, đặc biệt trong phần văn phạm với nội dung liên quan đến bia tiến sĩ, người tham gia dự thi đều trình bày rất tốt, tốt hơn hẳn so với năm trước. Điều này cho thấy, những người tham dự đã có thời gian, ý thức về việc phải đọc sách để nâng cao trình độ về chữ nghĩa của mình.
 
Ngoài ra, năm nay công tác tổ chức thi cũng diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều bởi phía BTC đã rút ra kinh nghiệm từ những năm trước, cho nên năm nay, BTC không phải giải quyết những trường hợp nào phức tạp.
 
Tuy nhiên, có 1 - 2 trường hợp yêu cầu phúc khảo lại kết quả nhưng sau khi ban khảo tuyển làm việc lại thì đều có sự thống nhất và có sự đối thoại với người phúc khảo một cách rõ ràng. Cuối cùng, tất cả đều thống nhất với kết quả mà BTC công bố, không nảy sinh tình huống nào gây tranh cãi trong và sau khi cuộc khảo tuyển kết thúc" - Ông Lê Xuân Kiêu giải thích thêm.
 
Thư pháp hấp dẫn với cả giới trẻ
 
Khảo tuyển người viết chữ tại Hội chữ Xuân Kỷ Hợi năm 2019 có ý nghĩa cũng như mục đích xuyên suốt là lựa chọn những người xứng đáng, đủ điều kiện để góp mặt trong đội ngũ viết thư pháp ở Hội chữ Xuân.
 
"So với những năm trước, trong đội ngũ viết thư pháp có người viết sai, viết không đúng, ứng xử với khách không tốt, cho nên thông qua cuộc khảo tuyển này, tôi nghĩ BTC sẽ sàng lọc được để tìm ra những người xứng đáng hơn. Tôi cho rằng, việc chọn lọc kỹ lưỡng sẽ khiến cho Hội chữ Xuân trở nên có chất lượng hơn. Bên cạnh đó, thông điệp mà BTC hướng tới chính là tinh thần khách quan, trung thực, hướng tới hội chữ Xuân là sân chơi văn hóa thực sự, lành mạnh để phục vụ người dân mỗi dịp Tết đến Xuân về" - Ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.
 
Trước ý kiến cho rằng, tục xin chữ, xin câu đối đầu năm ngày càng mai một, đặc biệt giới trẻ không còn mấy hứng thứ với tục lệ này, ông Lê Xuân Kiêu cho biết: “Nếu chúng ta làm tốt, bài bản, khoa học, đặt tiêu chí văn hóa lên hàng đầu thì việc viết thư pháp sẽ có sự hấp dẫn không chỉ với người già, trung niên mà ngay cả các bạn trẻ cũng yêu thích. Trên thực tế, rất nhiều bạn trẻ đã đến tham dự hội chữ Xuân và có cơ hội giao lưu để tìm hiểu rõ hơn về thư pháp và ý nghĩa của việc cho chữ, xin chữ đầu năm" - Ông Lê Xuân Kiêu khẳng định.
 

Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 chính thức bắt đầu từ ngày 29/1. Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, có hơn 10 vạn lượt khách tham quan tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Theo ông Lê Xuân Kiêu, ngay từ sáng mùng 1 Tết, lượng khách đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám rất đông và đặc biệt tăng cao trong mùng 2 Tết. Do Văn Miếu - Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi đang lưu trữ các giá trị cổ liên quan đến sự nghiệp học hành, đồng thời đang tôn thờ các bậc tiên thánh, tiên hiền, tiên nho, nên thu hút nhiều du khách.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn