Vấn nạn quấy rối tình dục nơi công cộng ở Jordan

07:00 | 20/04/2016;
Tại Jordan, nhiều bé gái và phụ nữ đang hàng ngày phải đối mặt với tình trạng quấy rối tình dục diễn ra khắp nơi. Tuy nhiên, xã hội cũng như Chính phủ vẫn khá bàng quang trước vấn nạn này.

Mỗi buổi sáng, Miriam lại bắt xe chuyến xe bus lúc 7 giờ 10 phút để đi làm. Tuy nhiên, vào một ngày đầu tháng giêng, xe bus không đi qua trạm cô hay chờ. Cô không còn lựa chọn nào khác là bắt taxi.

Khi chiếc taxi dừng lại, Miriam thấy có một phụ nữ đã ngồi ghế phía sau, đúng văn hóa địa phương, ghế phía trước dành riêng cho nam giới. Cô kể: “Tài xế đề nghị tôi ngồi ở ghế phía trước, vì người phụ nữ kia đang ngồi bên cạnh cửa vào. Vì vậy tôi làm theo, nghĩ rằng người phụ nữ sẽ xuống ở đâu đó và tôi sẽ ra sau ngồi. Nhưng khi cô ấy xuống, tài xế vẫn để tôi ngồi phía trước”. Tay tài xế bắt đầu nói chuyện về thời tiết. Anh ta hỏi: “Hôm nay trời lạnh nhỉ?”. Tôi đáp lời: “Tôi nghĩ hôm nay là một ngày đẹp trời”. Hắn nói: “Ừ, một ngày đẹp, đặc biệt khi có tuyết. Bạn có thích tuyết không? Bạn có chơi với tuyết không?”

Sau đó, hắn nói gì thêm cô không nhớ. Cô chỉ nhớ rằng, vừa nói, tay hắn bắt đầu đặt lên đùi cô và vuốt ve. Hắn cứ tiếp tục luyên thuyên cho đến khi Miriam thuyết phục hắn dừng xe để cô xuống. “Ngày hôm đó, tôi không muốn gặp bất kỳ người đàn ông nào. Tôi ước tôi chỉ làm việc với toàn phụ nữ thôi”, Miriam than vãn.

 

Nhiều khi tình trạng quấy rối tình dục diễn ra khá lộ liễu. 

Với nhiều bé gái và phụ nữ ở Jordan, quấy rối tình dục tại nơi công cộng – những hành động như mò mẫm, động chạm, vuốt ve, buông lời khiếm nhã trong xe hay đang băng qua đường - trở thành một thực tế trong cuộc sống hàng ngày. Quấy rối tình dục tồn tại từ lâu ở khắp các quốc gia nhưng ở Jordan và các nước Ả rập khác thì lại là một hiện tượng khá mới. Trước đây, hiện tượng này không xảy ra vì phụ nữ các nước này thường ở nhà hoặc ra khỏi nhà chỉ khi nào có sự hộ tống của nam giới. Sau đó, khi phụ nữ tham gia những công việc bên ngoài xã hội thì vấn nạn quấy rối tình dục bắt đầu phổ biến. Khi phụ nữ xuất hiện trên đường phố hay nơi công cộng, tình trạng quấy rối tình dục càng trở nên mạnh hơn. Tuy nhiên, việc phụ nữ bị quấy rối chia sẻ với người thân trong gia đình hay báo cáo chính quyền là điều cấm kỵ. Hơn nữa, công lý dành cho các nạn nhân ở nơi đây gần như không có.

Nhiều chiến dịch chống quấy rối tình dục đã phát triển tại các nước Ả rập những năm gần đây. Tuy nhiên, hình thức của các chiến dịch chủ yếu được tổ chức trực tuyến hay dựa vào các phương tiện truyền thông xã hội, với những mức độ thành công khác nhau. Cho đến nay, những công cụ đó đã phần nào nâng cao nhận thức của công chúng về vấn nạn quấy rối nhưng chưa đủ sức ảnh hưởng đến chính sách của Chính phủ.

“Quấy rối tình dục đã trở thành văn hóa”, Khadra, sinh viên 24 tuổi của Đại học Jordan tại Amman nói. Quấy rối thể xác, tinh thần trên mạng, trên đường phố, công viên, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các trường trung học và đại học giờ trở thành chuyện “thường ngày” ở Jordan.

Biểu tình phản đối tình trạng quấy rối tình dục ở Jordan.

“Mặc dù vấn nạn đã quá phổ biến nhưng hoàn toàn không có những số liệu thống kê hay những nghiên cứu của các cơ quan chức năng về quấy rối tình dục nơi công cộng tại Jordan”, Asma Khader, thư ký Ủy ban Quốc gia Jordan dành cho phụ nữ (JNCW) cho biết. Manal Sweidan, người đứng đầu bộ phận thống kê về giới tại Cục thống kê Jordan, xác nhận rằng, Cục đã không có bất kỳ dữ liệu chính thức nào về quấy rối tình dục. Khader ước tính, khoảng 80% phụ nữ đang đối mặt với vấn nạn này, và hiện trạng vẫn còn gia tăng. Thiếu những dữ liệu chính thức khiến cho việc định lượng và giải quyết vấn đề thực sự khó khăn.

Miriam đã nhiều lần bị những người đàn ông quấy rối tình dục nhưng cô thú nhận: “Tôi thường không thể làm được điều gì!”. Chính vì vậy, tâm lý không thể hoặc không nên theo đuổi công lý hoặc đối đầu với những kẻ quấy rối luôn khiến cô bực bội. Miriam từng tới trình báo cảnh sát về tin nhắn tục tĩu của một kẻ nặc danh gửi cho cô nhưng họ khuyên cô không nên làm như vậy, họ nói: “Điều này không tốt cho bạn, cho danh dự của bạn đâu.”

Danh dự rất được coi trọng trong xã hội Jordan, và “khi báo cáo về sự vụ, tất nhiên, ảnh hưởng đến danh dự của cô gái trước tiên vì tất cả mọi người sẽ đổ lỗi cho cô gái. Cộng đồng xem đó là lỗi của cô ấy vì đàn ông bị cám dỗ”, thư ký Ủy ban Quốc gia Jordan dành cho phụ nữ Asma Khadra giải thích cho vấn đề xem như một sự thật hiển nhiên. Giống như nhiều phụ nữ Jordan, Khadra sống giữa truyền thống và hiện đại. Cô là một phụ nữ đầy tự tin và nhiệt huyết, thậm chí hút cả thuốc lá. Tuy nhiên, mặc dù không thích và cũng không tin việc đeo khăn choàng đầu nhưng cô vẫn đeo nó “để bảo vệ danh dự cho gia đình và cho cha tôi”. Cha Khadra có một vị trí cao trong cộng đồng của cô tại Amman. Cô thừa nhận, bản thân chưa bao giờ báo cáo mình bị quấy rối tình dục vì hậu quả bao giờ dành cho gia đình mình cũng lớn hơn kẻ khốn nạn kia. Một lần, khi một người đàn ông trên xe bus đang cố gắng để sờ mó cô, Khadra chỉ đơn giản là chuyển chỗ ngồi khác. “Tôi không muốn gây ra một tình huống tệ hại hơn”, cô giải thích. Đương đầu với một kẻ quấy rối có nghĩa là bạn đang lãng phí nhiều năng lượng và bạn không biết những tiếp theo sẽ xảy ra.

Nhiều phụ nữ Jordan học võ để tự bảo vệ bản thân.

“Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân khiến hầu hết các nạn nhân không muốn tiết lộ vụ việc. Nếu nạn nhân cố gắng đưa kẻ đồi bại ra tòa, cô ấy sẽ bị thiệt hại nhiều về thời gian, tiền bạc và kết quả là cô chẳng được gì ngoài tai tiếng”, Khadar nói. Hiện cô đang theo học ngành luật và cô cho rằng, luật Jordan không bảo vệ phụ nữ. Hình phạt cho kẻ quấy rối quá nhẹ, hắn thường chỉ bị phạt tiền từ 70 USD hoặc vài tháng tù giam là cùng. Trong bộ luật hình sự của Jordan, quấy rối được liệt vào danh mục “phạm tội thuần phong mỹ tục nơi công cộng” hơn là “phạm tội với một cá nhân khác”.

Khader cười chua chát khi nói rằng, trong xã hội gia trưởng như Jordan, “một người đàn ông có suy nghĩ rằng bất kỳ người phụ nữ nào cũng là của mình”. Đàn ông không chịu trách nhiệm hành động của họ, trong khi phụ nữ bị xem như là nơi đổ lỗi cho tất cả những gì xảy ra với họ.

Theo thống kê của Chính phủ Mỹ cập nhật vào năm 2007 thì có đến 90% phụ nữ nước này tin rằng “chồng hay bạn trai có quyền đánh đập vợ hay bạn gái mình trong những hoàn cảnh nhất định.”

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn