Duy trì thói quen mua vàng vào dịp Tết, ngày Thần Tài, chị Thanh Bình (43 tuổi, Q.Ba Đình, Hà Nội) dè dặt hơn khi xuống tiền mua vàng năm nay.
Chị chia sẻ: "Năm vừa qua làm ăn khó khăn, gia đình tôi tiết kiệm chi tiêu hơn. HIện tại, giá vàng tăng bật quá cao, loanh quanh ngưỡng 79 triệu đồng, nếu mọi năm tôi thường mua 1 thỏi vàng miếng SJC thì năm nay, tôi sẽ chỉ mua 2 chỉ vàng nhẫn để lấy may thôi".
Tình hình kinh tế năm qua khó khăn, mặc dù có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, tâm lý thận trọng hơn nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen mua vàng đầu năm.
Điển hình như chị Nguyễn Hương Trà (30 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) đã mua vàng ngay ngày đầu giao dịch sau Tết (15/2): "Trước Tết, tôi không mua vàng vì còn đắn đo khi mức giá cao tới 78-79 triệu đồng. Nhưng ngay sau Tết, thấy vàng giảm xuống còn 75,4-77,7 triệu đồng/lượng, tôi tranh thủ mua vàng cầu may luôn vì sợ vàng sẽ lại tăng giá thêm cho tới ngày Thần Tài".
Anh Đức Mạnh (25 tuổi, Hà Nội), nhân viên tại cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Trường Chinh cũng cho biết, dù giá vàng đang lên cao, chênh lệch 2 chiều mua - bán cũng không nhỏ nhưng nhiều khách hàng vẫn tới để mua vàng.
Trước diễn biến này, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM, vàng vốn có giá trị dài hạn, đặc biệt, thói quen mua vàng đầu năm, ngày vía Thần Tài (mùng 10 âm lịch tháng Giêng) là thường gặp tại Việt Nam và các nước phương Đông nhằm tích trữ và cầu may đầu năm, nên nhu cầu đối với vàng vẫn cao và thị trường vàng năm nay vẫn sẽ sôi động.
Nhưng do kinh tế khó khăn, tiền dư giả ít, sức mua sẽ giảm, ví dụ như với mọi năm là 3 chỉ, thì năm nay sẽ giảm xuống 1-2 chỉ. Ngoài ra, nhu cầu mua với mặt hàng vàng trang sức sẽ có phần yếu hơn so với vàng tích trữ: vàng miếng SJC và vàng nhẫn 24K.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá vàng SJC đã hạ nhiệt nhưng mức giảm không đáng kể, dao động quanh ngưỡng đỉnh 79 triệu đồng, tại 75,8-78,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), mức chênh lệch 2 chiều mua - bán tới gần 3 triệu đồng.
Cụ thể, Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng SJC tại 75,85-78,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
DOJI duy trì mức giá vàng SJC tại cả 2 thị trường Hà Nội và TPHCM là 75,75-78,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, vàng miếng SJC đang có mức giá là 75,8-78,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Bên cạnh đó, vàng nhẫn trơn dù biến động không lớn nhưng mỗi ngày đều nhích lên một chút. Trong đó, Bảo Tín Minh Châu niêm yết mức giá cao nhất, 64,73-65,83 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), gần chạm 66 triệu đồng, đây là mốc cao nhất của vàng nhẫn từ trước đến nay.
Ngược lại, giá vàng tại thị trường thế giới tiếp tục giảm ở mức 2.013 USD/ounce, quy đổi ra VND là khoảng 58 triệu đồng/lượng. So với phiên tuần trước, con số này giảm mạnh tới 12 USD/ounce.
Theo quan niệm cổ truyền, việc đưa tiền vàng vào nhà đầu năm sẽ mang lại sự dư dả, ấm no nên người dân thường chọn mua vàng vào đầu năm hoặc ngày Thần Tài để cầu mong may mắn, tài lộc. Tuy nhiên, với mức giá vàng đang được đẩy lên quá cao từ cuối năm ngoái đến nay và mức sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, khoảng 18 triệu đồng, thị trường vàng đang đối diện nhiều rủi ro về chính sách, nhà đầu tư/người mua dễ rơi vào tình trạng thua lỗ.
Do vậy, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân đưa ra khuyến nghị, nên hạn chế mua thêm vàng miếng SJC bởi mức chênh lệch 2 chiều và với giá vàng thế giới còn lớn, người mua có thể mua các loại vàng khác có tính ổn định và an toàn hơn như vàng nhẫn, vàng 9999, vàng thần tài của các thương hiệu vàng uy tín.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn