"Vừa mua 5 chỉ vàng từ cuối tháng 3, đã lãi hơn 2,5 triệu đồng nên tôi quyết định đi gom thêm vàng trong khả năng của mình. Mặc dù nhiều cảnh báo rủi ro nhưng mà tôi tin là vàng sẽ tăng nữa", chị Lại Nguyệt Ánh (33 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ khi đang xếp hàng mua vàng tại một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Cập nhật cuối chiều nay (9/4), giá vàng trong nước tiếp tục "tăng đứng", xác lập kỷ lục mới tại 84,8 triệu đồng, áp sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ trong 1 ngày, giá vàng SJC đã tăng hơn 2 triệu đồng/lượng.
Cùng lúc đó, giá vàng nhẫn cũng bất ngờ tăng mạnh hơn 3 triệu đồng so với phiên hôm qua, vượt 77 triệu đồng/lượng, tại 75,88 – 77,48 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại các điểm kinh doanh vàng, dòng người vẫn nối nhau đi mua, mặc cho mức giá cao đỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường vàng liên tục đón nhận sự quan tâm từ Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ về điều chỉnh ổn định giá vàng.
Lý giải hiện tượng trên, trao đổi với báo PNVN, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia Tài chính – Kinh tế, Học viện Tài chính cho biết, thị trường vàng trong nước tiếp tục tăng đỉnh cùng thế giới khi giá vàng giao ngay ở mức 2.350 – 2.360 USD/ounce.
Bên cạnh đó, khi tâm lý lo sợ giá vàng sẽ còn tăng cao, nhu cầu gom vàng của người dân càng lớn nhằm đầu tư sinh lời, tích trữ, điều này cộng hưởng thêm cho đà tăng của giá vàng trong nước.
Cùng với nhu cầu tăng cao, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, ĐH Kinh tế TPHCM cho biết thêm, vấn đề nhập lậu vàng thời gian qua đã được siết chặt khiến nguồn cung càng khan hiếm, giá vàng từ đó mà tăng hơn.
Ghi nhận tại các thương hiệu vàng, đa số đều đang ở tình trạng khan hiếm, thậm chí "hết hàng" với vàng nhẫn khi lượng khách tới mua lớn. Còn đối với vàng miếng SJC, người dân tỏ ra e ngại bởi mức giá quá cao, khó tiếp cận.
Một nhân viên tại DOJI cho biết, hiện tại vàng nhẫn chỉ còn loại 0,5 chỉ; còn loại 1 chỉ, 2 chỉ… đều đã hết hàng từ lâu và chưa rõ kế hoạch sản xuất, nhập hàng khi nào.
Còn tại Bảo Tín Minh Châu, lượng vàng vẫn sẽ đáp ứng được nhu cầu khách hàng, nhưng lượng khách tới đông, nên đến cuối ngày nguồn hàng dễ rơi vào tình trạng khan hiếm.
Các chuyên gia đều đưa ra nhận định: "Không có giới hạn nào cho giá vàng trước đà tăng mạnh như này, cho tới khi chính sách chính thức được ban hành".
Khi đó, khả năng vàng sẽ giảm mạnh về gần với mức giá vàng thế giới. Vì vậy, người mua vàng có thể đối mặt với rủi ro lỗ rất lớn.
"Cần làm cho thị trường vàng bớt sôi động, tránh "vàng hóa", để tập trung nguồn lực cho phát triển nền kinh tế" - Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.
Với đề xuất mới đây từ Ngân hàng Nhà nước về việc bỏ độc quyền vàng SJC và cho phép một số cơ sở kinh doanh vàng sản xuất vàng SJC, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân bày tỏ quan điểm đồng tình. Nhưng, cần có thêm những giải pháp khác để điều chỉnh thị trường vàng hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế.
Bởi, việc vàng SJC được sản xuất thêm có thể không khiến nhu cầu của họ giảm, thậm chí, với nhu cầu cao như hiện nay, nhiều khả năng vàng sẽ tăng giá trở lại.
Hơn nữa, giữa cơn sốt giá vàng tăng cao, các chuyên gia bày tỏ quan ngại về những hệ lụy bất lợi cho nền kinh tế khi việc giá vàng tăng.
Thực tế, mức giá vàng trong nước đang quá cao so với thế giới. Và việc người dân trữ quá nhiều vàng khiến dòng tiền "bất động", chỉ nằm ở việc tích trữ vàng để sinh lời, điều này sẽ không giúp cho nền kinh tế phát triển.
Để khắc phục tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, giảm tình trạng khan hiếm hàng và hạn chế giá lên cao, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nêu ý kiến, việc cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu không giới hạn trở lại sẽ là giải pháp tối ưu nhất hiện nay.
Tuy nhiên, ông cho biết thêm, điều này còn phải xem xét kỹ vì nếu nhập quá nhiều, sẽ dẫn đến tình trạng xuất siêu vàng, trong khi vàng là mặt hàng mà nước ta đang phải đổi ngoại tệ để nhập về, khiến đồng tiền trong nước mất giá đối với tỷ giá quốc tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn