8 phút ngắn và 8 năm dài
Trong số 16 VĐV Việt Nam có suất tham dự Olympic Paris mùa hè này, Phạm Thị Huệ ở bộ môn đua thuyền là VĐV lớn tuổi nhất. Cùng với Hà Thị Linh ở môn boxing, Phạm Thị Huệ là mẹ có 2 con nhỏ. Lớn tuổi nhất, hành trình đến Olympic Paris 2024 của nữ tay chèo quê gốc Quảng Bình có thể nói là dài nhất, có nhiều điều đặc biệt hơn so với các VĐV khác trẻ tuổi hơn.
Tháng 4 vừa qua, với thành tích 7 phút 53 giây 08, nằm trong Top 5 tại nội dung rowing đơn nữ hạng nặng vòng loại Olympic Paris 2024 khu vực châu Á diễn ra tại Hàn Quốc, nữ tay chèo Việt Nam chính thức có vé đến Thế vận hội. Giây phút ấy, Phạm Thị Huệ bật khóc, những giọt nước mắt không thể ngừng rơi xuống.
Nhiều HLV, các VĐV khác hay nhiều người quan tâm đến thể thao đã mừng cho Phạm Thị Huệ. Gần 8 phút guồng tay chèo trên sóng nước, và đằng sau đó là 8 năm đằng đẵng miệt mài không bỏ cuộc, dài hơn là 16 năm gắn với sự nghiệp đua thuyền. Huệ nói rằng đã biết mình không còn trẻ nữa, về sức mạnh thể chất đã không so được với nhiều đối thủ, nhưng về sức mạnh tinh thần, về sự quyết tâm, thì Huệ không để mình thua kém ai.
Tại Đại hội thể thao châu Á - ASIAD 19 diễn ra năm ngoái, đội đua thuyền rowing 4 người đã mang về tấm huy chương đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam. Phạm Thị Huệ là chị cả trong đội, và đã nén những giọt nước mắt để động viên đàn em. Phạm Thị Huệ có hàng loạt huy chương SEA Games, có tấm huy chương ASIAD thứ 4 trong sự nghiệp của mình, nhưng chưa một lần tham dự Olympic.
Năm 2016, tay chèo này đã đủ chuẩn dự Olympic. Năm 2020, Phạm Huệ cũng đã vượt qua vòng loại Olympic Tokyo, nhưng sau đó phải nhường lại suất bởi theo qui định mỗi quốc gia chỉ có 1 suất tham dự, và đua thuyền Việt Nam ưu tiên cho nội dung khác.
Một tấm vé đến Olympic, trải nghiệm thi đấu ở Thế vận hội một lần trong đời, đó vẫn luôn là niềm mơ ước, là khát khao của tất cả những VĐV thể thao chuyên nghiệp. Với những nữ VĐV trẻ, đó là ước mơ thành sự thật. Với bà mẹ 34 tuổi, điều này còn hơn cả một giấc mơ, bởi giấc mơ ấy "có giá" hơn rất nhiều, vất vả hơn rất nhiều. Đến được Olympic sau 2 lần lỡ hẹn, đó là thành quả của nhiều năm dài Phạm Thị Huệ kiên trì không bỏ cuộc, đã kiên định với niềm tin và luôn chiến đấu hết sức mình.
"Thành công này còn là của chồng tôi"
Có được tấm vé đi Olympic lần này, Phạm Thị Huệ đã nói một lời cảm ơn rất dài. Nữ tay chèo gửi lời cảm ơn đến các HLV, những người thầy, những cán bộ chuyên môn đã tận tình giúp mình. Sau đó, Huệ gửi lời cảm ơn đến chồng mình, đến gia đình nội ngoại 2 bên, đến "những mảnh ghép lớn trong thành công nhỏ của cuộc đời em".
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, khi còn nhỏ, Phạm Thị Huệ vẫn thường phụ giúp gia đình làm ruộng, làm cả các công việc chân tay khác, rồi mới đến với thể thao. Huệ kể khi đó điều kiện tập luyện của VĐV đua thuyền rất khó khăn, không mấy người chọn bộ môn tập luyện vất vả, nắng gió này. Trong những ngày đầu đầy khó khăn ấy, cô gái Quảng Bình xa nhà quen biết với người đồng đội mang tên Đặng Minh Huy người gốc Đà Nẵng.
"Tôi và chồng cùng là đồng đội, cùng luyện tập với nhau hàng ngày. Anh ấy cứ ở bên cạnh, giúp đỡ mình, chỉ dạy cho mình để hoàn thiện thêm, đôi khi là những cái rất nhỏ như chai nước uống khi khát, cái khăn lau những giọt mồ hôi. Anh này cũng dân thể thao mà, mạnh mẽ nhưng không có gì lãng mạn đâu. Tôi trân quý tấm lòng, sự chân thành, và thế là chúng tôi đến với nhau, có thể nói là duyên số đi chung trên một con thuyền theo đúng nghĩa, tình yêu đến từ những nhịp mái chèo".
Hai vợ chồng cùng thuộc đội đua thuyền Đà Nẵng nhưng Phạm Thị Huệ thường phải ra tập luyện dài hạn ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Để thuận lợi cho sự nghiệp của vợ, chồng của Huệ chuyển nơi tập luyện, 2 con gái chuyển trường học theo. Những ngày vợ bận đi thi đấu xa nhà, anh Minh Huy một tay chăm sóc, quán xuyến việc học hành của con. Niềm vui của bà mẹ là những phần thưởng học sinh giỏi, thi vẽ tranh của 2 cô con gái nhỏ. 2 lần không đến được Olympic, cũng đã có những lúc Huệ cảm thấy thất vọng. Tấm vé có được ở lần thứ 3 này, là kết quả của những cái nắm tay thật chặt, động viên vợ tiếp tục cố gắng của anh Minh Huy.
Trên đường đua đầy thử thách, động lực lớn lao cho người mẹ băng lên quạt mái chèo tiến về đích, chính là gia đình, là nụ cười và những cái ôm thật chặt của chồng và 2 cô con gái vẫn dành cho Huệ sau mỗi chuyến thi đấu trở về nhà. Huệ nói rằng những thành tích, những tấm huy chương mà cô có được, và cả suất dự Olympic này nữa, là "không phải của riêng tôi, mà có thể coi là của chồng tôi, dành cho cả chồng tôi, người đã hi sinh rất nhiều cho sự nghiệp của vợ".
Ngày 17/7 tới, bà mẹ 2 con sẽ "vác" mái chèo, đến Olympic Paris và đua tranh cùng những VĐV đua thuyền hàng đầu thế giới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn