Về Cần Thơ đi chợ nổi, ăn “pizza hủ tíu”

07:20 | 01/08/2017;
Thành phố Cần Thơ thực sự là một điểm đến hấp dẫn ở miền Tây Nam bộ. Đến với vùng đất này, tôi đã có những giây phút thư thái cùng bạn bè và thêm yêu cảnh vật, văn hóa, con người nơi đây.
Mỗi lần đến là một lần thú vị

Nhắc tới Cần Thơ, mọi người thường nhớ đến chợ nổi Cái Răng và chọn nơi đây để bắt đầu hành trình khám phá vùng đất này. Bản thân tôi cũng đã không dưới 3 lần đến với khu chợ đặc biệt ấy nhưng mỗi lần đều mang lại một cảm giác mới lạ đầy thú vị. Từ 6 giờ sáng, tôi cùng nhóm bạn đã thức dậy để bắt đầu cho hành trình khám phá chợ nổi.

Du khách trải nghiệm công đoạn làm hủ tíu ở cơ sở Sáu Hoài


Sau khi mặc áo phao cẩn thận, dưới sự điều khiển của người lái tàu lành nghề, con tàu lướt trên dòng sông mênh mông, lộng gió. Chỉ chưa tới 20 phút sau khi xuất phát từ đất liền, chúng tôi đã thấy trước mặt cảnh mua bán trên sông tấp nập, đông vui.

Con tàu chạy chầm chậm, lúc này, bao quát hết tầm mắt là hình ảnh của những con thuyền, chiếc ghe đủ kích cỡ bán rất nhiều loại trái cây khác nhau. Mùa này, nhiều nhất là dưa hấu, thơm, dừa, chôm chôm, mãng cầu…

Để giúp cho mọi người biết được trên thuyền bán gì, chủ những chiếc thuyền, ghe dùng cây sào rồi treo tất cả những thứ cần bán lên đó. Cây sào này được gọi là “bẹo”, nghĩa là chưng ra, khoe ra. Mấy người bạn của tôi khi biết được điều này cứ xuýt xoa, thích thú trước sự thông minh, khéo léo của người dân miền Tây sông nước.

Một góc chợ nổi Cái Răng


Thi thoảng lại có những chiếc ghe nhỏ bán đủ thứ trái cây chạy sát vào thuyền chúng tôi để mời mua trái cây, đó là những chùm chôm chôm đỏ rực, những quả bưởi nhẵn bóng đẹp mắt… Mấy người bạn của tôi không kìm được lòng, liền mua mỗi thứ vài ký lô để về làm quà cho gia đình. Tiếng ghe nổ phành phạch, tiếng cười nói, trao đổi khiến cho chợ nổi ngày càng nhộn nhịp.

Chỉ chưa đầy 30 phút, chiếc thuyền của chúng tôi đã chạy hết một vòng quanh chợ nổi rồi chuyển hướng để đến một địa điểm khác. Hình ảnh của chợ nổi Cái Răng dần khuất xa khỏi tầm mắt.

Chợ nổi Cái Răng


Điểm đến tiếp theo của tôi cùng với nhóm bạn là vườn cây Sáu Hoài, Lộ Vòng Cung (phường An Bình, Q.Ninh Kiều) nổi tiếng với món “pizza hủ tíu”. Tại đây, chúng tôi được giới thiệu về nghề làm hủ tíu truyền thống của gia đình và trải qua các công đoạn làm hủ tíu như tráng bánh, cắt sợi… hết sức thú vị.

Đặc biệt là cùng nhau thưởng thức món “pizza hủ tíu” đã được nghe danh từ lâu. Không phụ lòng mong đợi, chúng tôi thực sự thích thú khi được ăn những miếng bánh hủ tíu giòn tan, vị mặn, beo béo, chua chua, cay cay hòa quyện rất hấp dẫn. 

“Hòn đảo ngọt” đầy mê hoặc

Tạm chia tay với trung tâm TP Cần Thơ, chúng tôi tiếp tục hành trình khoảng 40km để về với cù lao Tân Lộc (Q.Thốt Nốt), nơi còn được biết đến với cái tên “hòn đảo ngọt” vì trước đây từng một thời nổi tiếng với nghề trồng mía, nấu đường.

Du khách thích thú thưởng thức món “pizza hủ tíu”


Từ đất liền, chúng tôi mất chừng 10 phút đi phà để sang cù lao Tân Lộc. Vừa đặt chân đến cù lao, mọi người đã có thể nhận thấy ngay một vẻ khác biết với sự mát mẻ của từng cơn gió từ sông thổi vào, cù lao được nhuộm xanh bởi những vườn cây ăn quả nằm san sát nhau.

Tại đây, chúng tôi chọn ngôi nhà cổ của ông Trần Bá Thế (Sáu Thế) - là hậu duệ của cụ Phạm Văn Huấn, vị quan cận thần của vua Gia Long làm điểm đến đầu tiên của hành trình mới này. Đây là ngôi nhà có diện tích khoảng 400m2, được xây dựng năm 1918 với số tiền 7.000 đồng Đông Dương vào thời điểm bấy giờ.

Trước ngôi nhà có những cây khế đến 300 tuổi. Nhà được xây theo lối kiến trúc Pháp - Việt, nền bệ cao ốp đá xanh, trên các vòm cửa có phù điêu, hoa văn, họa tiết trang trí. Mái nhà lợp ngói vảy cá, nền lót gạch bông trắng, đen xen kẽ. Nội thất được bài trí khéo léo với nhiều cổ vật còn nguyên như tủ thờ có bài thơ của Lý Bạch được cẩn xà cừ, trường kỷ bóng loáng, bàn cẩm thạch, nhiều vật trưng bày rất giá trị và nhiều năm tuổi…

Tham quan vườn ổi gia đình cô Điệp ở cù lao Tân Lộc


Sau khi khám phá ngôi nhà đặc biệt này, chúng tôi tìm đến vườn ổi rộng hơn 4.000m2 của gia đình cô Lê Hồng Điệp (55 tuổi, khu vực Tân An, phường Tân Lộc). Sau khi mua vé tham quan với giá chỉ 20.000 đồng/vé, chúng tôi được chính chủ nhân của vườn ổi dẫn lối len qua những cây ổi trĩu qua để tham quan.

Không chỉ được bà chủ vui tính chia sẻ để hiểu hơn về quá trình hình thành của vườn ổi, chúng tôi còn có dịp thoái mái hái những quả ổi chín cây, rất giòn, ngọt, sạch và “bao no”. Nghĩa là mọi người vào đây có thể ăn ổi thoải mái, nếu có nhu cầu mua về làm quà thì chủ vườn cũng rất sẵn lòng, với giá bán cực “mềm”, chỉ 5.000 đồng/kg.

Chỉ chừng đó thôi, cù lao Tân Lộc cũng đủ để giúp cho du khách có được một trải nghiệm lắng đọng giữa thiên nhiên mênh mông, ngọt ngào, bỏ lại phía sau những lo toan, vất vả trong công việc và cuộc sống thường ngày.

Thông tin cho bạn

* TP Cần Thơ cách TPHCM khoảng 170km, nếu di chuyển bằng xe ô tô sẽ mất khoảng 3 giờ 30 phút. Bạn có thể đi máy bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Cần Thơ.

* Hiện nay, chợ nổi Cái Răng có khoảng 300-350 tàu, ghe buôn bán kinh doanh. Chợ hoạt động nhộn nhịp nhất là từ 6 đến 8 giờ sáng. Giá vé thuê tàu tham quan chợ nổi từ 150.000 đến 400.000 đồng, tùy vào số lượng người. Mỗi phần pizza hủ tíu có giá 50.000 đồng.

* Khi tới TP Cần Thơ, du khách có thể di chuyển bằng ô tô để về Q.Thốt Nốt để đến cù lao Tân Lộc theo hướng quốc lộ 91, mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Du khách cũng có thể chọn tour du lịch để trải nghiệm cù lao Tân Lộc. Hiện nay, công ty TST tourist đang kết hợp với Q.Thốt Nốt khai thác tour du lịch cù lao Tân Lộc với mức giá từ 1,4 triệu đồng (2 ngày 1 đêm), ở khách sạn 4 sao.

* Trong khuôn viên nhà cổ của gia đình ông Trần Bá Thế, du khách còn có thể trải nghiệm câu cá, thưởng thức các món ăn đồng quê như gà thả vườn, cá bống kho tộ và nghe đờn ca tài tử…

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn