Mới đây, tại Đại học Văn hóa Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu và tọa đàm với tên gọi Xứ - Thơ Trần Lê Khánh. Chương trình được tổ chức để nhìn nhận lại các tác phẩm đã xuất bản của Trần Lê Khánh, đồng thời giới thiệu tập thơ Xứ sẽ ra mắt vào năm 2020 và tuyển thơ Sự bắt đầu của nước đã được dịch sang tiếng Anh, dự định in ấn, xuất bản tại Mỹ trong thời gian sắp tới. Những bức tranh phụ bản cho các tập thơ của Trần Lê Khánh do chính nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng được trưng bày trong khuôn khổ sự kiện.
Tham dự chương trình có nhiều cây bút tên tuổi như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà thơ - nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn, nhà phê bình văn học Văn Giá, nhà phê bình văn học Nguyễn Phượng, nhà thơ Nguyễn Quyến…
Nhà thơ Trần Lê Khánh sinh năm 1971 tại Kim Bôi, Hòa Bình, hiện sống và làm việc ở TPHCM. Là một nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực tài chính, từng được nhận bằng phân tích tài chính của Viện CFA (Mỹ), song Trần Lê Khánh lại rất đam mê văn chương. Anh bắt đầu tập trung vào sáng tác thơ và tham gia các hoạt động văn chương nghệ thuật từ năm 2015. Đến nay, anh đã xuất bản 5 tập thơ: Lục bát Múa, Dòng sông không vội, Ngày như chiếc lá, Lục bát Múa trọn bộ, Giọt nắng tràn ly.
Thơ Trần Lê Khánh được giới phê bình đánh giá là tạo ra được sự khác biệt. Theo nhà lý luận phê bình Ngô Văn Giá, Trần Lê Khánh là một ca rất lạ trong nền thơ Việt Nam hiện thời. Thơ của anh tập trung vào kiểu thơ ngắn, cô đúc, tối giản, ít chữ mà gợi nhiều. Trong số thơ ngắn, anh dụng công nhiều vào thể thơ lục bát. Thơ anh tuy có lưu luyến đời sống thế tục nhưng lại ngả hẳn sang chất “thiền thi”, nơi có khả năng thanh lọc và dẫn gợi.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: “Thơ Trần Lê Khánh là sự hài hòa của sự rung cảm tột đỉnh và của những triết lý sâu sắc. Bởi thế, khi câu thơ cuối cùng của bài thơ vừa kết thúc thì nó mở ra ngay lập tức vô vàn cánh cửa cho người đọc. Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh luôn chứa trong nó một bài thơ khác và cứ thế mở ra và mở ra mãi.
Tôi luôn nghĩ đến những bài thơ của Trần Lê Khánh với vẻ đẹp, sự tĩnh lặng, sự bí ẩn và chiều kích vô tận của những hạt cây. Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh tinh kết tựa một cái hạt cây. Đó là sự chặt chẽ của bố cục, tính chính xác của hình ảnh, phép tối giản của ngôn từ, sự nén chặt của cảm xúc… Luôn chứa trong đó một cái phôi mầm triết lý. Trong mỗi “hạt cây thơ” ấy là toàn bộ hình ảnh, vẻ đẹp và sự sống của cái cây. Sự gợi mở, sức lan tỏa và sự bùng nổ cảm xúc cùng tính đa tầng triết lý của những bài thơ ấy lại đi theo cách mở cánh của bông hoa mà vẻ đẹp và hương thơm của nó là phi biên giới…”.
Nhà thơ - nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn cho rằng: “Thơ Trần Lê Khánh có xu hướng cô đặc lại, như viên sỏi ném xuống mặt hồ ý thức phẳng lặng những xa vắng trùng khơi. Thơ Trần Lê Khánh thực đấy mà hư đấy, gần gũi đấy mà thăm thẳm đấy”.
Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl, người dịch thơ của Trần Lê Khánh sang tiếng Anh, nhận xét: “Rất dễ dàng thấy được các vẻ đẹp tầng tầng lớp lớp trong đó, và đặc biệt là cách mà kiểu thơ này dạy cho ta thưởng thức hết được các vẻ đẹp đó. Cách diễn đạt trong vắt và tường tận, hiểu rõ từng thể loại thơ đặc biệt là lục bát, thơ của Khánh càng trở nên sống động hơn nếu bạn đọc đi rồi đọc lại".