Sải những bước dài trên con đường bê tông rộng mở, nhìn ngắm những vườn đồi trù phú, xanh tươi ở vùng rốn lũ của huyện Vũ Quang, người dân thôn 2 Văn Giang, xã Đức Giang, không khỏi tự hào và càng trân trọng biết bao thành quả của hàng chục năm qua. Bà Trần Thị Lan Anh, Bí thư Chi bộ thôn 2 Văn Giang, xã Đức Giang, huyện Vũ Quang, cho biết: "Chúng tôi làm nên sự đổi thay bắt đầu từ công cuộc khai phá đất hoang, đánh thức những lợi thế về đất rừng, đất nông nghiệp. Khó lắm và cũng nhiều gian lao lắm, cũng có khi tưởng chừng đã chùn bước, nhụt ý chí nhưng rồi khát vọng đổi mới, khát vọng về một cuộc sống ấm no đã thôi thúc chúng tôi tiến bước".
Thấu hiểu một điều: Cứ đi sẽ có đường, cứ làm sẽ có người đồng hành. Vậy là mỗi người cùng nhau cày cuốc, phát dọn cây dại, ươm vào lòng đất những mầm xanh. Đất rừng được trồng keo, tràm, cây ăn quả các loại; đất nông nghiệp thì trồng lúa, ngô, khoai, sắn, mía… nơi nào cũng có sự dày công khai hoang, vỡ đất và vun trồng. Trong quá trình này, cây cam thể hiện lợi thế vượt trội và đã được cấp ủy, chính quyền định hướng để phát triển. Một rồi hai, rồi mười, rồi lên một trăm, một ngàn… diện tích trồng cam cứ vậy tăng lên và mô hình kinh tế cho thu nhập cao cũng tăng nhanh theo cấp số nhân. Vất vả nhiều và gian lao không hề ít nhưng tất cả điều đó giờ đã lùi xa vào quá khứ. Sau hơn 21 năm thành lập, 10 năm xây dựng nông thôn mới, vùng đất được xem là rừng thiêng nước độc, heo hút, cằn cỗi năm xưa đã khoác lên mình chiếc áo mới, trở thành huyện miền núi biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Với bước lội ngược dòng ấy, người dân Vũ Quang đã thành công trong việc đánh thức những tiềm năng xây dựng quê hương giàu đẹp, xóa đi những lam lũ, vất vả của ngày đầu thành lập.
Trong hành trình khai phá tiềm năng lợi thế của núi rừng, cấp ủy chính quyền và người dân Vũ Quang đã có bước đi đúng đắn trong phát triển cây cam. Toàn huyện hiện có trên 2.300 ha cam, sản lượng năm 2021 đạt gần 30 ngàn tấn. Thu nhập từ cam vào thời điểm bội thu là 400 đến 450 tỷ đồng. Cũng như cam, các sản phẩm nông nghiệp mang đặc trưng của huyện như hồng Yên Du, mật mía Thọ Điền, mật ong Vũ Quang, bưởi Diễn Ân Phú đều đã bén duyên và phát triển rất tốt.
Điều đặc biệt, dưới tán cam của hơn 5.500 hộ đều được kết hợp nuôi hơn 9.000 đàn ong. Chị Lê Thị Kim Lương, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, phấn khởi tâm sự: "Cuộc sống của chúng tôi giờ đây thay đổi nhiều lắm. Cũng không tin là mình lại làm cho đất nở hoa như ngày hôm nay. Không chỉ là những vườn cam thơm ngát mật ong rừng mà với sự tập huấn của huyện, chúng tôi mạnh dạn làm mới mình, thay đổi cách bán hàng, tiếp cận thị trường. Nhờ vậy, chúng tôi ngày càng hiểu hơn giá trị của sản xuất sạch, của việc xây dựng thương hiệu và giữ vững niềm tin của người tiêu dùng. Thu nhập bình quân đầu người của chúng tôi hiện cao nhất tỉnh trong khối nông thôn, đạt 45,41 triệu đồng/người/năm".
Người dân Vũ Quang đang tiếp tục nỗ lực trên hành trình mới - bền vững với huyện nông thôn mới và phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Bà Nguyễn Thị Hà Tân, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Vũ Quang, cho biết: "Bám sát quan điểm, mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Trung ương đã được nêu ra tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là: "Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh" nên trong định hướng chỉ đạo của mình, chúng tôi xác định xây dựng nông thôn mới huyện Vũ Quang theo hướng "Nông nghiệp an toàn, nông dân thông thái, nông thôn yên bình".
Theo đó, nông thôn phát triển, nông nghiệp sinh thái là đích hướng đến của chúng tôi để làm nên bản sắc nông thôn mới của Vũ Quang chính là nét đẹp riêng của rừng núi, bền vững trong thu nhập và ấm no, hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình. Trong hành trình đó, người dân sẽ tiếp tục phát huy lợi thế đất đai bằng những cách làm mới hơn, sáng tạo hơn và tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể của mình để tạo nên những bứt phá mới".
Vui với thành quả trong nhiều năm qua, nhất là năm 2021, bà Phạm Thị Thanh Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vũ Quang, nói: "Vui Xuân mới, chúng tôi sẽ bắt tay vào hành động ngay, thực hiện có hiệu quả hướng đi mà huyện đã đề ra. Phụ nữ Vũ Quang bây giờ không chỉ cần cù, chăm chỉ lao động mà chúng tôi còn tự tin, sáng tạo. Năm vừa qua, từ mô hình "nhà sạch, vườn đẹp" đã góp phần đồng hành cùng địa phương làm nên những miền quê đáng sống. Đặc biệt, trong khó khăn của dịch Covid-19, nhờ các lớp tư vấn kỹ năng bán hàng trên mạng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nên chúng tôi đã tiêu thụ cam rất tốt, mang lại nguồn thu đáng kể cho mỗi gia đình. Từ món quà Xuân đầy ý nghĩa này, chị em quyết tâm sẽ làm nên nhiều dư vị ngọt ngào mới".
Vui có đến từ những điều nho nhỏ… Không ồn ào, không mang tính khẩu hiệu, từ những mầm xanh được gieo vào lòng đất, từ những niềm tin trao gửi… Cứ như vậy, người dân Vũ Quang vượt qua tất cả gian nan, thử thách, mang Xuân về theo cách riêng của mình, làm đẹp từng làng quê, góc phố. Trong hành trình phía trước, người dân nơi đây sẽ cùng nhau viết tiếp bài ca tình đất, tình người để mỗi mùa Xuân về nơi đây lại căng tràn sức sống và sự đủ đầy. Trong sự phát triển đi lên ấy, tình đất, tình người như được nối dài thêm bởi sự chung sức, đồng lòng, sự quyết tâm và cùng chung chí hướng của mỗi người. Màu của ấm no, sức sống của một vùng quê đẹp giàu, sự ngọt sâu của tình đất, tình người được bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết, chịu thương, chịu khó, sáng tạo, vươn lên của những con người hồn hậu, thủy chung.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn