Gặp cảnh khốn cùng, cha mẹ phải bỏ rơi con
Vào một buổi tối trời ẩm ướt tại thành phố Cucuta, biên giới của Colombia, một phụ nữ Venezuela quấn con gái mới sinh trong một chiếc chăn màu vàng nhạt rồi đặt ở lối đi vào giữa bãi giữ xe và sân vận động. Bên trong tấm chăn có mảnh giấy nhỏ ghi dòng chữ: “Angela mới sinh được 4 ngày nhưng tôi không có điều kiện để nuôi con”.
Khoảng một giờ sau, một phụ nữ cùng con trai từ sân vận động đi ra nghe tiếng khóc. Tìm thấy đứa bé, bà bế đứa bé lên, phủi những con kiến ra khỏi thân thể em, rồi bà gọi cho cảnh sát. Một vài phút sau, cảnh sát đến mang đứa trẻ đến bệnh viện địa phương trước khi chuyển đứa trẻ sơ sinh đến trung tâm bảo trợ xã hội.
Bà Rosalba Navarro, làm việc trong một tổ chức từ thiện chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi, cho biết: Nhiều bà mẹ đã đến van xin bà nhận nuôi những đứa con của họ bởi vì cuộc hành trình nơi chân trời góc biển của họ chưa biết chốn dừng chân. Họ không có gì để đảm bảo cho những đứa trẻ có một cuộc sống yên ổn.
Trong gần 2 năm trở lại đây, do cuộc khủng hoảng kinh tế và bất ổn về chính trị, khoảng 1 triệu người Venezuela ồ ạt di cư ra nước ngoài qua biên giới Colombia. Belen Villamizar, một luật sư làm việc tại trung tâm bảo trợ trẻ em ở Cucuta (Colombia), cho biết: “Hầu hết những người di cư đến đây là những người trẻ. Họ sẵn sàng mạo hiểm để đi tìm một cuộc sống mới. Họ đi bộ hoặc đi xe bus đến Colombia. Một số người có chưa đến 1 USD trong túi”.
Áp lực đối với hệ thống phúc lợi ở Colombia
Một cuộc thống kê gần đây nhất cho thấy, có khoảng 442.500 người Venezuela đang di cư bất hợp pháp sang Colombia. Trong đó, có khoảng 10% là trẻ em dưới 5 tuổi. Nhiều trẻ em vật vờ trên đường phố, chịu đói chịu rét và trở thành nạn nhân của những kẻ mua bán người.
Trong một căn phòng trọ tồi tàn, Daniel Villegas (5 tuổi) sống chung trong một căn phòng với cha mẹ, 3 anh chị em ruột và cả những người bà con. Cha của Daniel buôn lậu bia rượu ở biên giới Venezuela, mỗi thùng ông kiếm được gần 1 USD. Nhờ vậy, ông có thể lo cho gia đình dù phải sống trong cảnh eo hẹp. Daniel ốm yếu, gầy còm nói: “Em vẫn mơ về những bữa ăn có thịt và mong muốn thoát khỏi cái cảnh phải ngủ cùng nhau trong một manh chiếu chật hẹp đến nỗi cựa mình cũng không dám”. Vừa nói, em vừa đưa tay xoa nhẹ đôi vai bị đau của mình.
Cảnh sát cũng tìm thấy một vài trẻ vị thành niên Venezuela ở độ tuổi 13-14 đến Colombia mưu sinh bằng nghề “đứng đường”. Các cô gái cho rằng, công việc của mình là một hành động “nổi loạn” trước cuộc sống đen tối và đôi khi họ phải dùng cần sa để quên đi nỗi đau của mình.
Cucuta là một thành phố có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất của Colombia. Đây cũng là nơi xảy ra nhiều vụ bạo lực liên quan đến ma túy. Các gia đình Venezuela bị kẹt ở đây thường phải sống 10 người chung một phòng trọ không có giường với giá 17 USD một tuần.
Theo số liệu của chính phủ Colombia, từ năm 2017 đến nay, có 502 trẻ em Venezuela đang sống nhờ các trung tâm bảo trợ xã hội của nước này. Trong đó có 90 em bị bỏ rơi, 80 em là nạn nhân của lạm dụng tình dục, số còn lại là người vô gia cư, bị đánh đập hoặc trẻ em bị suy dinh dưỡng...