Mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ như sau: Có nhiều hành vi vi phạm liên quan đến việc cung cấp thực phẩm như vi phạm quy định về cung cấp thưc phẩm (Điều 4); vi phạm quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong cung cấp thực phẩm (Điều 9 đến Điều 13, Điều 15); vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong cung cấp thực phẩm (Điều 19, 22). Phải căn cứ vào từng hành vi để kết luận mức xử phạt vi phạm hành chính như thế nào.
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa với hành vi cung cấp thực phẩm bẩn đối với tổ chức là 200.000.000 đồng. Trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm.
Ngoài ra, phía công ty thực phẩm còn phải đối mặt với việc đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm; buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm.
Mặt khác, trường hợp cơ quan điều tra kết luận có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự “Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”. Căn cứ vào quy định này, mức hình phạt cao nhất có thể được áp dụng là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.