Vì sao ăn nhãn chớ cắn vào vỏ?

14:30 | 01/08/2022;
Với quả nhãn, không chỉ sử dụng khi còn tươi, nếu biết cách chế biến, bảo quản loại quả này còn là vị thuốc rất tốt cho cơ thể.

Loại quả giàu vitamin, phòng chống bệnh tim mạch, ung thư

Mùa nhãn vừa bắt đầu, đây là loại quả cung cấp vitamin và nhiều loại khoáng chất tốt cho cơ thể. TS. Lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, nhãn là loại quả nhiệt đới, có cùi màu trắng, khi chín hạt màu nâu đen, giống như mắt nên còn có tên khác là long nhãn (mắt rồng).

Ăn quả nhãn chín cơ thể sẽ nhận được nhiều loại vitamin và khoáng chất như  polyphenol, vitamin C, vitamin nhóm B, magie, kali và phospho. Loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như chống ô xy hóa, chống viêm, kháng vi sinh vật, giảm đau, cải thiện não bộ. 

Theo TS Phùng Tuấn Giang, trong nhãn chứa polyphenol rất tốt cho sức khỏe, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất này giúp bảo vệ cơ thể phòng chống các bệnh như tim mạch, ung thư, tiểu đường và bệnh gan. Ngoài ra, nguồn vitamin trong nhãn, nhất là vitamin C rất có lợi cho hệ thống miễn dịch, sức khỏe của da và mắt. 

Qủa nhãn đang vào mùa, có giá rẻ và giàu dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)

Đừng chỉ ăn nhãn tươi, nhãn khô còn là vị thuốc

Tuy nhiên, TS Tuấn Giang cho rằng nhãn chỉ có theo mùa, vì thế thay vì chỉ dùng quả tươi, người dân có thể chế biến, bảo quản nhãn dưới dạng khô hay còn gọi là long nhãn, long nhãn nhục để sử dụng và làm thuốc.

Ông Giang cho biết, trong y học cổ truyền, long nhãn có vị cam (ngọt); tính ôn (ấm); quy các kinh tâm, tỳ. Có tác dụng ích tỳ trường trí (ích trí), dưỡng tâm bổ huyết (tâm hỏa sinh tỳ thổ). Trong y học cổ truyền đã sử dụng long nhãn để chữa các chứng bệnh như: Đau và sưng, đau dạ dày, chữa rắn cắn (hạt nhãn), mệt mỏi, suy nhược thần kinh, mất ngủ, căng thẳng, giảm trí nhớ và nhận thức…

“Trong y văn cổ Trung Quốc, một y gia nổi tiếng thời nhà Minh tên Lý Thời Trân coi quả nhãn là một loại thuốc bổ tự nhiên và gọi nó là “vua của các loại trái cây”, TS Phùng Tuấn Giang chia sẻ.

Để sử dụng quanh năm, có thể sấy khô làm thành long nhãn - một vị thuốc quý trong đông y. (Ảnh minh họa) 

Theo hướng dẫn của lương y Phùng Tuấn Giang, cách chế biến và sử dụng long nhãn không hề phức tạp: Khi nhãn chín rộ, lấy phần cùi nhãn đã được bóc tách cẩn thận, khéo léo, sấy khô tạo thành vị thuốc long nhãn nhục trong y học cổ truyền. Long nhãn là vị thuốc quan trọng trong các phương thuốc bổ khí huyết, dưỡng tâm, kiện tỳ, an thần với liều dùng mỗi ngày từ 6g đến 18g. Không chỉ vậy, vị thuốc long nhãn còn xuất hiện trong công thức các món ăn bài thuốc như món tiềm, yến chưng, chè dưỡng nhan…

Ngoài việc ăn phần cùi trắng, hạt và vỏ nhãn còn được sử dụng để làm các sản phẩm tẩy rửa thiên nhiên như dầu gội đầu, nước rửa bát. Vỏ và hạt đã được chứng minh là có hàm lượng chất chống oxy hóa cao. 

Ăn làm sao cho an toàn

TS Phùng Tuấn Giang khuyến cáo, dù nhãn là loại trái cây an toàn, nhưng sử dụng lượng vừa đủ mới phát huy được nhiều lợi ích đối với cơ thể. Theo đó, mỗi chúng ta có thể ăn khoảng 200 - 300g nhãn/ngày, nếu ăn quá nhiều có thể bị nóng (nhãn có tính ấm), mất cân bằng âm dương trong cơ thể.

Riêng đối với phụ nữ có thai, nếu mẹ bầu ăn quá nhiều nhãn cùng lúc và ăn liên tục nhiều ngày sẽ có thể bị nóng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí là xuất huyết và gây sảy thai. Đặc biệt không nên ăn nhãn trong thời điểm mẹ bầu có dấu hiệu dọa sảy thai, mắc tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, đang bị dị ứng mẩn ngứa.

Khi ăn nhãn, cần chú ý khâu tách vỏ để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Liên quan đến vấn đề sử dụng nhãn an toàn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho rằng, nhãn là loại quả phổ biến nhưng chỉ nên ăn quả đã chín với lượng vừa đủ (200g/ngày).

Ngoài ra, khi mua nhãn về nên rửa sạch từng quả trước khi ăn. Kể cả khi đã rửa hoặc chưa rửa cũng tuyệt đối không dùng răng cắn/tách vỏ nhãn, vì có thể sẽ bị tổn thương niêm mạc miệng do ký sinh trùng có trên vỏ hoặc có chất bảo quản. Nên dùng tay hoặc dụng cụ bóc tách vỏ trước khi ăn phần cùi. Không cho trẻ nhỏ tự ăn nhãn vì hạt nhãn rất trơn có thể sẽ tuột vào đường thở, gây nguy hiểm. Phụ huynh cần bóc tách phần cùi và hạt cho trẻ trước khi ăn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn