Những đồ vật nhỏ hàng ngày xung quanh chúng ta đôi khi ẩn chứa nhiều sự thật thú vị. Bởi lẽ chẳng ngẫu nhiên mà các nhà khoa học sáng tạo ra nó. Từ thiết kế cho tới chức năng đều được làm ra để phục vụ nâng cao chất lượng sống, giúp các hoạt động diễn ra hiệu quả.
Ngay cả chiếc bàn phím máy tính cũng vậy. Tưởng chừng những nút bấm vô tri kia thật nhàm chán, nào ngờ ẩn đằng sau là biết bao sự thật sẽ giúp bạn mở mang tầm mắt đây!
Các bạn đã bao giờ tò mò về các nút chữ, rằng vì sao không sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái ABC thông thường hay chưa? Mặt khác, nhiều người cho rằng nếu để các nút tuân theo thứ tự Alphabet thì sẽ làm giao diện đẹp mắt, ngăn nắp hơn. Tuy nhiên, đó là một quan niệm cực kỳ sai lầm và đi ngược lại khoa học.
Bàn phím hiện tại mà ai cũng nhìn thấy là kiểu QWERTY (6 phím bên trái hàng trên cùng). Ngoài ra, trên Thế giới còn tồn tại một vài kiểu bàn phím khác chẳng hạn như MALTRON, DVORAK hay QWERTZ nhưng kiểu QWERTY vẫn là phổ biến, thông dụng nhất.
Có nhiều giả thiết được đặt ra để chứng minh cho quy luật bàn phím này.
Từ rất lâu, các nhà khoa học đã nghiên cứu các chữ trong từ điển để phân tích cấu tạo, sự kết hợp nguyên âm, phụ âm nhằm đưa ra thứ tự sắp xếp tinh tế nhất. Dù là bất cứ ngôn ngữ nào thì quy tắc về âm điệu, cú pháp cũng na ná nhau, do đó bàn phím QWERTY sẽ mang tính toàn cầu (trừ các quốc gia sử dụng bộ chữ tượng hình như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc...)
Mặt khác, người dùng muốn thao tác nhanh trên phím thì họ cần có quá trình gõ phân bổ đều ra hai tay. Cách xếp ABCDEF sẽ khiến một tay bị gõ nhiều hơn. Trái lại, kiểu QWERTY sắp xếp rất hài hòa, các ngón di chuyển linh hoạt và không bị quá tải ở một ngón nào. Từ đó giúp dân văn phòng vẫn thoải mái kể cả khi gõ đoạn văn dài.
Ngày xưa, khi chưa có bàn phím như hiện tại, mọi người sử dụng máy đánh chữ. Năm 1870, Christopher Latham Sholes - người sáng chế ra chiếc máy đánh chữ đầu tiên cũng đã phát minh bàn phím QWERTY.
Khác với kiểu QWERTY, máy đánh chữ sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái, khi ấn xuống sẽ in chữ ra giấy tựa như những phím đàn đang lướt nhẹ. Tuy nhiên, nhược điểm của máy đánh chữ là các chữ cái có tần suất sử dụng cao lại được đặt cạnh nhau, thành ra người dùng hay bị bấm nhầm. Tình trạng kẹt, vướng xảy ra cũng nhiều hơn. Để khắc phục nó, mọi người phải gỡ thanh gõ, xóa trên văn bản tạo nên vết chằng chịt và mất thẩm mỹ.
Bàn phím QWERTY như một biện pháp kịp thời giúp các phím hay sử dụng cách xa nhau, phân bổ đều và cực kỳ tiện lợi. Đến năm 1893, một loạt các nhà sản xuất bàn phím như Caligraph, Yost, Densmore, Remington & Sons và Smith-Premier cùng thống nhất với nhau sẽ lấy kiểu QWERTY làm quy chuẩn.
Một giả thiết thứ ba được đặt ra vào năm 2011 bởi hai nhà nghiên cứu Nhật Bản - Yasuoka Motoko và Yasuoka Koichi. Họ cho rằng nguồn gốc bàn phím xuất phát từ mã Morse - bảng mã truyền tin trong vô tuyến điện báo. Nếu sắp xếp theo kiểu ABCDEF thì quá trình giải mã, phiên âm thông điệp rất dễ bị nhầm lẫn. Vì vậy QWERTY là tối ưu nhất.
Nhìn chung, mục đích lớn nhất của việc lựa chọn QWERTY thay vì ABCDEF vẫn là giúp nâng cao tốc độ gõ phím của người dùng. Ngoài ra, trên bàn phím còn có nhiều thiết kế khác cùng chức năng, chẳng hạn dấu cách ở bên dưới giao với ngón cái của hai tay, hay nhóm phím F1 - F12, thậm chí là vạch lằn ngang trên hai phím J và F - giúp người dùng có thể gõ đoạn văn bản dài mà không cần nhìn vào mặt phím.
Theo R.D
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn