Chọn thời điểm phù hợp để công bố đáp án
Thông tin với báo chí tại cuộc họp báo về kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia diễn ra chiều nay, 27/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc công bố đáp án kỳ thi vào một thời điểm phù hợp.
Việc này nhằm hạn chế tiêu cực trong quá trình chấm thi đồng thời cũng phù hợp với quá trình chấm thi trắc nghiệm, tăng cường giám sát, đảm bảo nghiêm túc cho việc chấm thi. “Mục tiêu của kỳ thi phải có sự nghiêm túc, an toàn về kết quả thi. Để làm được phải có nhiều giải pháp, từ quản lý đến kỹ thuật”, ông Trinh khẳng định.
Cụ thể, đối với việc chấm thi bài tự luận, ông Trinh cho hay việc làm phách thực hiện triệt để việc cách ly trong quá trình làm phách. Chấm thi bài tự luận cũng thực hiện nghiêm túc 2 vòng chấm độc lập, có camera an ninh giám sát.
Với bài thi trắc nghiệm, theo ông Trinh, với sự nâng cấp của phần mềm theo hướng tăng cường bảo mật bằng cách mã hóa từ dữ liệu không gian, quá trình chấm thi sẽ bảo đảm an toàn cao. Ngay cả đáp án chấm trắc nghiệm cũng được mã hóa, chỉ được giải mã bằng phần mềm chấm thi trắc nghiệm.
Về công tác vận chuyển bài thi, theo ông Mai Văn Trinh, bài thi di chuyển từ điểm thi đến chỗ tập kết chấm có giám sát của công an. Khi về đến nơi phòng lưu trữ bài thi có camera giám sát 24/24h, được bảo vệ nghiêm ngặt giống như ở địa điểm đựng đề thi. Nhiều tỉnh còn tăng cường thêm các thiết bị hỗ trợ khác như ngay từ các phòng ngoài… để tăng cường bảo mật không gian đựng bài thi.
Đề thi dễ hơn năm ngoái?
Trước phản ánh của một số báo chí về việc thí sinh cho rằng đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái, ông Mai Văn Trinh cho rằng điều này không hẳn là đúng, cần nhìn nhận bài thi theo đúng bản chất của kỳ thi THPT Quốc gia.
“Trước đây ta có 2 kỳ thi: Tốt nghiệp THPT vào tháng 6 và thi vào ĐH, CĐ vào tháng 7, nhưng nay chỉ còn 1 kỳ thi. Bản chất là đánh giá kết quả học tập sau 12 năm, kết quả để xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để các trường xét tuyển, cũng là cơ sở để điều chỉnh phương pháp dạy học trong nhà trường. Khi nào kỳ thi đáng tin cậy thì các trường còn lựa chọn kết quả này để xét tuyển, còn đến khi nào không đủ tin cậy thì với sự tự chủ, các trường có thể tự đề xuất phương án tuyển sinh riêng”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Với mục tiêu đó, đề thi cho kỳ thi cần bám sát, phương hướng ra đề cũng có sự nhất quán. “Nhóm câu hỏi vừa đáp ứng kiến thức cơ bản, phục vụ đại đa số nhu cầu tốt nghiệp THPT cho thí sinh, cùng với đó là một nhóm câu hỏi nâng cao để phân loại thí sinh, xét tuyển vào ĐH, CĐ”, ông Mai Văn Trinh nhìn nhận.
Cục trưởng Quản lý chất lượng của Bộ GD&ĐT khẳng định, con người vẫn là yếu tố quyết định. Nhiều địa phương năm nay bố trí cán bộ tham gia khâu trọng yếu như in sao, chấm thi và mọi quy trình đều phải qua lực lượng công an kiểm soát. “Các địa phương hãy đặc biệt coi trọng công tác cán bộ chấm thi. Giải pháp quản lý, kỹ thuật của chúng ta sẽ đạt được kết quả mong muốn nếu các điều kiện này được thực thi”, ông Trinh nhấn mạnh.
Quy trình bảo quản bài thi tại phòng chấm thi trắc nghiệm theo quy định tại khoản 2, Điều 23 Quy chế thi. Cụ thể, phiếu trả lời trắc nghiệm được quét theo từng phòng thi. Thư ký cắt miệng túi bài thi, kiểm điểm phiếu trả lời trắc nghiệm đối chiếu với số phiếu trả lời trắc nghiệm ghi trên túi bài thi và phiếu thu bài, chuyển phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ kỹ thuật nạp vào máy quét. Quét xong phiếu trả lời trắc nghiệm của túi nào, phiếu trả lời trắc nghiệm được thư ký kiểm đếm, đóng lại túi đó và niêm phong theo quy định. Sao lưu toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) ra đĩa CD hoặc DVD (gọi là CD0) thành 3 bộ đĩa giống nhau, bàn giao 1 đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD&ĐT. Thực hiện chức năng nhận dạng ảnh của phần mềm chấm thi trắc nghiệm để chuyển dữ liệu ảnh bài làm của thí sinh thành kết quả dưới dạng văn bản đã được mã hóa. Toàn bộ dữ liệu đã nhận dạng (dạng văn bản đã mã hóa) và ghi ra đĩa 3 bộ CD hoặc DVD (gọi là CD1) giống nhau bàn giao 1 bộ đĩa cho Chủ tịch hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD&ĐT. Quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín. Dữ liệu được sinh ra bởi phần mềm đều được mã hóa và chỉ có thể giải mã khi Bộ GD&ĐT cấp khóa giải mã. Năm nay, camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, có bộ lưu điện dự phòng đảm bảo hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới. Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ của camera được niêm phong và lưu giữ ít nhất 1 năm. |