Thời trang cao cấp chủ yếu được sản xuất cho phụ nữ nhưng đa số vị trí quyền lực, được trả lương cao lại do nam giới nắm giữ. Theo Ben Barry, Trưởng khoa Thời trang, Trường Thiết kế Parsons ở New York (Mỹ), chế độ phụ hệ ảnh hưởng đáng kể đến ngành thời trang. Ông chỉ ra rằng, nam giới thường giữ các vị trí dẫn đầu trong những ngành này.
Phân tích của tờ Financial Times về các giám đốc sáng tạo và giám đốc điều hành (CEO) của 33 thương hiệu thời trang cao cấp cho thấy, tỷ lệ nữ giám đốc sáng tạo hiện thấp hơn so với 15 năm trước. Trong số 14 thương hiệu thuộc bộ phận Thời trang & Đồ da của LVMH, chỉ 3 thương hiệu có nữ giám đốc sáng tạo, gồm: Maria Grazia Chiuri của Dior, Camille Miceli của Pucci và Silvia Venturini Fendi của Fendi.
Tập đoàn thời trang Ý OTB, chủ sở hữu của 5 thương hiệu, chỉ có một nữ giám đốc sáng tạo là Lucie Meier, người chia sẻ vai trò với chồng tại nhà mốt Jil Sander. Prada hiện có Miuccia Prada, người đã từ chức CEO của tập đoàn và hiện giữ vai trò giám đốc sáng tạo. Trong khi đó, Burberry chưa từng có giám độc sáng tạo là nữ.
Mặc dù vậy, vẫn có những thương hiệu đi ngược lại xu hướng. Chanel có 2 nữ lãnh đạo là Giám đốc sáng tạo Virginie Viard và CEO toàn cầu Leena Nair, người năm ngoái đã trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên đứng đầu một thương hiệu thời trang cao cấp của châu Âu.
Chloé, thuộc sở hữu của Richemont, đã có các nhà thiết kế nữ kể từ khi Karl Lagerfeld rời đi vào năm 1997. Cả dòng thời trang nam và nữ của Hermès đều do phụ nữ thiết kế.
Tuy nhiên, đó là những trường hợp ngoại lệ. Nhiều nhà thiết kế làm việc trong các tập đoàn thời trang cao cấp cho biết, tình trạng phân biệt đối xử khiến họ không được xem xét vào vai trò giám đốc sáng tạo.
Một nhà thiết kế ở Paris (Pháp), người đứng đầu bộ phận quần áo may sẵn của hai thương hiệu lớn ở châu Âu, nói rằng cô sẽ không bao giờ trở thành giám đốc sáng tạo vì là nữ. Cô đã thảo luận với các công ty "săn đầu người" nhưng nếu nhắm đến chức danh giám đốc sáng tạo, lựa chọn duy nhất của cô là rời ngành thời trang xa xỉ.
Karen Harvey, người sáng lập công ty tư vấn tuyển dụng Karen Harvey Associates, giải thích rằng tình trạng bất bình đẳng giới trong ngành thời trang dẫn đến việc ngày càng nhiều nam giới nắm giữ những vai trò chủ chốt. Việc thời trang cao cấp chuyển từ tập trung vào sản phẩm sang tiếp thị đã gây bất lợi cho phụ nữ vươn lên các vị trí lãnh đạo.
Các nhà tuyển dụng thường đặt câu hỏi về khả năng thu hút mọi người đến với thương hiệu đối với các ứng viên nữ và cho rằng, các ứng viên nữ là những người trầm lặng hoặc kém nổi tiếng. Ngoài ra, hầu hết các CEO đưa ra các quyết định tuyển dụng đều là đàn ông da trắng. Có chưa đến một phần ba số thương hiệu được phân tích có CEO là nữ.
Ngành thời trang phụ thuộc rất nhiều vào mạng lưới mối quan hệ. Điều này tạo ra một vòng tròn do nam giới thống trị và do đó, càng hạn chế cơ hội cho phụ nữ.
Sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong ngành thời trang bắt đầu từ trường thiết kế, nơi sinh viên nữ thường nhiều hơn sinh viên nam nhưng nam giới lại được chú ý hơn. Điều này tiếp diễn ở nơi làm việc, nơi nam giới được khuyến khích phát triển cái tôi và cá tình còn phụ nữ được cho là phải khiêm tốn và hợp tác.
Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới trong ngành thời trang, nhà tư vấn tuyển dụng Karen Harvey đề xuất mở rộng nhóm ứng viên cho vị trí giám đốc sáng tạo ngoài các nhà thiết kế nam ở những vai trò có ảnh hưởng. Cô khuyến khích chủ sở hữu của các tập đoàn thời trang lớn như LVMH và Kering tích cực hỗ trợ các nhà thiết kế nữ, đảm bảo họ nhận được các nguồn lực cần thiết và được công nhận.
June Ambrose, nữ giám đốc sáng tạo da màu đầu tiên của Puma, ủng hộ các công ty thời trang cao cấp xem xét lại tiêu chí tuyển dụng. "Họ đang tìm kiếm điều gì? Họ chỉ muốn giữ nguyên hiện trạng hay sao? Đó là một tâm lý bảo thủ trong việc bổ nhiệm. Tôi nhận ra rằng, mình không đi theo con đường truyền thống. Chúng ta phải thách thức các tiêu chuẩn của quá trình tuyển dụng", Ambrose nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn