Ngay sau phiên bế mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV chiều 15/11, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì cuộc họp báo thông báo kết quả kỳ họp.
Tại cuộc họp báo, vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế như: việc lùi trình Quốc hội thông qua dự án Luật khám chữa bệnh (sửa đổi) ở kỳ họp này; vấn đề tự chủ ở một số bệnh viện mà điển hình là thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đã xin tự chủ sau đó lại xin thôi tự chủ toàn diện. Vậy Quốc hội có giải pháp gì để gỡ khó cho các đơn vị này?
Về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho hay, Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này song khi thảo luận, còn nhiều ý kiến chưa đồng nhất về chuyên môn nên cơ quan chủ trì thẩm tra đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo cũng như bộ ngành liên quan đã khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này.
Liên quan đến tài chính, Luật khám bệnh, chữa bệnh cũng đề cập đến cơ chế tài chính vẫn còn một số nội dung cần thảo luận thêm như: Giá khám bệnh, chữa bệnh, phương thức định giá; cơ chế xã hội hóa trong lĩnh vực khám chữa bệnh; tự chủ và dùng ngân sách nhà nước chi cho hoạt động khám chữa bệnh…
"Đây là vấn đề mới phát sinh trong kỳ họp 4 và cũng là vấn đề lớn nên Ủy ban Xã hội chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần thêm thời gian để có thể có sự đồng thuận và xin trình lại sau kỳ họp thứ 4" - ông Nguyễn Hoàng Mai cho hay.
Về việc tự chủ bệnh viện, theo ông Nguyễn Hoàng Mai, hiện nay có Bệnh viện K và Bệnh viên Bạch Mai xin thôi tự chủ toàn diện. Một trong các nguyên nhân là khi nhận tự chủ toàn diện lại rơi vào bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 nên việc khám bệnh, chữa bệnh bị ảnh hưởng nhiều, ảnh hưởng đến nguồn tài chính của bệnh viện.
Ngoài ra, các cơ chế, điều luật liên quan còn do nhiều luật khác quy định nên khi triển khai bị vướng. Hiện nay, Quốc hội cũng đặt vấn đề để cần rà soát cơ chế, chính sách quy định pháp luật về tự chủ và sau đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn