Mỗi đứa trẻ đều có một vật bất ly thân, đó có thể là một món đồ chơi yêu thích, ti giả, một chiếc khăn, vỏ gối, gấu bông, áo… Những thứ này giống như những người bạn tốt nhất của trẻ, lúc nào cũng giữ khư khư bên cạnh mình, không thể ngủ nếu thiếu chúng. Thậm chí khi sử dụng một thời gian dài tới mức mòn, sờn rách hoặc bốc mùi, trẻ vẫn không chịu thay cái mới.
Trên thực tế, trẻ em thường cảm thấy bất an, lo lắng và bị căng thẳng khi phải chuyển đổi từ một môi trường quen thuộc sang một môi trường mới hoặc khi phải đối mặt với những tình huống khó khăn hoặc sợ hãi. Việc sử dụng những món đồ này giúp trẻ cảm thấy an toàn và có sự ủng hộ từ những vật dụng quen thuộc.
Ngoài ra, những đồ vật này còn giúp trẻ giảm stress và tăng cường cảm giác tự tin. Khi cảm thấy buồn chán, sợ hãi hoặc bất an, trẻ có thể nhận được sự an ủi từ đồ vật quen thuộc của mình. Chúng cũng giúp trẻ tự tin hơn trong việc khám phá thế giới xung quanh vì trẻ biết rằng luôn có một điều gì đó quen thuộc và an toàn ở đó.
Tuy nhiên, nếu trẻ quá phụ thuộc vào món đồ bất ly thân, có thể gây ra những vấn đề như khó ngủ, khó tập trung và sợ xa nhà. Do đó, cần có sự cân bằng và hỗ trợ từ phía người lớn để giúp trẻ phát triển đúng mức và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ việc sử dụng món đồ này.
Cha mẹ tước đoạt món đồ của trẻ theo ý mình hay mặc kệ để chúng làm gì thì làm. Trên thực tế, cả 2 cách tiếp cận này đều không phù hợp. Cưỡng đoạt có thể khiến trẻ cảm thấy không an toàn và thiếu tin tưởng, để trẻ làm theo ý mình muốn có thể khiến chúng phụ thuộc quá mức và thiếu khả năng tự điều chỉnh.
Cha mẹ có thể tham khảo 3 điều dưới đây:
1. Hiểu và tôn trọng cảm xúc của trẻ
Sự gắn bó của trẻ với một vật dụng nào đó không phải cố tình mà đó là trẻ cần một thứ để hỗ trợ tâm lý, nuôi dưỡng cảm xúc trong quá trình trưởng thành.
Những đồ vật này có thể mang lại cho trẻ cảm giác an toàn và thoải mái, đồng thời giúp chúng kiểm soát căng thẳng và lo lắng. Cha mẹ nên hiểu và tôn trọng nhu cầu của con mình, không chế giễu hay đổ lỗi cho đồ vật.
2. Giảm dần sự phụ thuộc của trẻ
Cha mẹ có thể đặt ra các quy tắc với con cái, chẳng hạn như chỉ dùng ti giả khi đi ngủ hay bị ốm, hoặc dùng ở nhà và không được mang ra ngoài.
Cha mẹ cung cấp cho trẻ các phương pháp an ủi khác như ôm, hôn, khen ngợi, động viên... để trẻ cảm nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của cha mẹ.
3. Nuôi dưỡng sự tự tin, độc lập của trẻ
Cha mẹ có thể cải thiện việc tự nhận thức của trẻ thông qua các hoạt động và trò chơi khác nhau, đồng thời cho trẻ biết rằng mình có nhiều ưu điểm và khả năng tiềm ẩn.
Nếu muốn rèn luyện khả năng tự kiểm soát và tự điều chỉnh, cha mẹ giao cho trẻ một số thử thách, trách nhiệm phù hợp, để trẻ học cách đối mặt với khó khăn và thất bại. Bằng cách này, trẻ sẽ dần buông bỏ sự phụ thuộc vào những đồ vật quen thuộc để trở nên tự tin, độc lập hơn.
Bên cạnh một số những đồ vật bất ly thân, trẻ còn có những sở thích khác như cắn móng tay, lắc đầu, ngoáy mũi. Những hành vi này có vẻ kỳ lạ và thậm chí là kinh tởm, nhưng đối với trẻ em lại là một thói quen hoặc một cách để trút giận.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn