"Vì sao gọi đồ cũ là đồ SIDA?": Nguồn gốc thực sự của từ này sẽ khiến bạn bất ngờ

19:25 | 12/06/2022;
Từ "sida" trong "đồ sida" không hề liên quan gì đến căn bệnh "sida".

Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta nghe thấy cụm từ "đồ sida (si đa)", đi mua "đồ sida"... Đây là từ chỉ những món đồ cũ đã qua sử dụng, được bán lại với mức giá rẻ hơn rất nhiều. Thế nhưng những món đồ cũ này vì sao lại được gọi là "sida"? Từ "sida" này liệu có liên quan gì đến căn bệnh "sida", tức HIV/AIDS hay không? Thực chất, chúng chẳng liên quan gì đến nhau cả và nguồn gốc thật sự của từ "đồ sida" sẽ khiến nhiều người phải bất ngờ.

Theo đó, "quần áo sida" là tên gọi của một số mặt hàng quần áo cũ được bày bán ở thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ những năm cuối thập niên 1980. Nguồn gốc của những mặt hàng này là các thùng quần áo cũ do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Swedish International Development Cooperation Agency, viết tắt tiếng Anh là SIDA) viện trợ.

Câu đố Tiếng Việt: "Vì sao gọi đồ cũ là đồ SIDA" - Nguồn gốc thực sự của từ này sẽ khiến bạn bất ngờ vì quá thú vị! - Ảnh 1.

Tổ chức Sida của Thụy Điển.

Vì thế chúng còn có các tên gọi đồ Sida, đồ Si, hàng Sida, đồ thùng, hàng thùng. Việc chữ "SIDA" trùng với tên gọi căn bệnh SIDA/AIDS chỉ là ngẫu nhiên (SIDA theo tiếng Pháp Syndrome d'immunodéficience acquise).

Vào cuối thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, tổ chức SIDA của Thụy Điển có những chương trình viện trợ cho Việt Nam. Một trong những hành động đó là việc quyên góp các quần áo cũ của người dân. Các quần áo này được giặt giũ, làm sạch rồi đóng thùng gửi tới Việt Nam.

Câu đố Tiếng Việt: "Vì sao gọi đồ cũ là đồ SIDA" - Nguồn gốc thực sự của từ này sẽ khiến bạn bất ngờ vì quá thú vị! - Ảnh 2.

Quần áo sida. (Ảnh minh họa)

Đồ sida thường được những người kinh doanh bán tại vỉa hè hay trong những cửa hàng nhỏ. Một số nơi tập trung thành những chợ bán đồ Sida, như ở Kim Liên (Hà Nội). Những mặt hàng này với chất lượng còn tốt và giá cả thấp đã rất phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ.

Những năm sau đó, tổ chức SIDA không còn hình thức viện trợ này cho Việt Nam, nhưng khái niệm "đồ Sida" vẫn được dùng để gọi những mặt hàng quần áo của nước ngoài đã qua sử dụng vào thị trường Việt Nam.

Ngoài từ "đồ sida" thì một từ khác cũng được sử dụng phổ biến, đó là "second hand". Từ này xuất phát từ tiếng Anh, có nghĩa là "đồ cũ", "đã qua sử dụng",...


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn