Hầu hết nạn nhân sập bẫy lừa đảo đầu tư đa cấp đều có điểm chung là bị lóa mắt bởi lợi nhuận cao, dẫn đến việc mất cảnh giác, thậm chí là mê muội, tin theo những bẫy lừa đảo được giăng ra một cách bài bản.
Ông Nguyễn Văn Mạnh (ở Bắc Ninh) cho hay: "Đa số người khi dính vào đầu tư đa cấp đều tin tưởng vào mô hình đầu tư ấy một cách tuyệt đối, bất chấp việc người thân can ngăn. Chỉ đến khi mất trắng, họ mới có thể tỉnh ngộ. Đã có trường hợp gia đình bất hòa, vợ chồng phải ly hôn để cứu lấy tài sản khỏi bị nướng hết vào bẫy lừa đảo.
Tất cả chỉ vì lòng tham nên mới sa vào bẫy lừa đảo đầu tư đa cấp, khi mà họ nhìn thấy những "bánh vẽ" lợi nhuận lớn quá nên sinh lòng tham".
Có nhiều người ban đầu chỉ là nạn nhân bị lôi kéo sập bẫy đa cấp, sau đó, họ đã dấn sâu vào con đường này, trở thành những kẻ "lùa gà", đẩy thêm nhiều nạn nhân khác sập bẫy lừa đảo để hưởng "hoa hồng".
Bà Nguyễn Kim Dung (ở huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi được mời tham gia hội thảo nhưng khi tôi đến, nghe họ nói về đầu tư, mình chẳng cần làm gì, chỉ góp tiền rồi được chia lợi nhuận lên tới 50% - 70%/năm thì tôi hiểu ngay đây là lừa đảo. Vì không có cái gì dễ ăn đến thế. Nếu thực tế đầu tư kinh doanh mà có lãi nhiều như vậy thì họ đã đi vay ngân hàng để tự đầu tư bởi lãi suất ngân hàng thấp hơn nhiều, tội gì phải đi huy động vốn của người khác rồi phải trả lãi suất cao".
Nhưng sẽ không có nhiều người tỉnh táo như bà Dung, bởi ngay người em gái của bà Dung cũng là nạn nhân của lừa đảo đầu tư đa cấp. Đó là chị Nguyễn Thu Hải.
Từ năm 2021, chị Hải đầu tư vào công ty đa cấp, sau đó vay mượn của nhiều người để đầu tư lấy lãi cao. Anh Trần Quang Thái, chồng chị Hải, không thể ngăn cản được vợ, nên đã phải chọn giải pháp lý hôn để bảo vệ tài sản gia đình. Đến khi chị Hải tỉnh ngộ thì số tiền đầu tư lên tới cả tỷ đồng đã bị mất trắng.
"Ban đầu, Hải là người được mời gọi đầu tư đa cấp. Sau đó, cô ấy lại đi mời gọi người thân trong gia đình, họ hàng và bạn bè cùng tham gia nên cô ấy đã trở thành người tiếp tay cho các đối tượng cầm đầu các đường dây đa cấp để "lùa gà". Khi đường dây vỡ lở thì Hải trở thành tội đồ của những người thân quen đã bị cô ấy đưa vào cái bẫy đa cấp", anh Thái nói.
Anh Hoàng Tuấn Anh (ở Hưng Yên) tiết lộ: "Những người tham gia đầu tư đa cấp ban đầu họ dùng tiền của mình để đầu tư. Sau đó, họ đi mời gọi người khác tham gia để hưởng % trên số tiền mà họ "lùa" được người khác tham gia. Càng "lùa" được nhiều người thì họ càng được hưởng hoa hồng nhiều. Nên có người biết mình bị lừa vẫn cố đi lùa người khác vào để mong gỡ gạc số tiền họ đã bị mất trước đó".
Theo anh Tuấn Anh, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lừa đảo đầu tư đa cấp vẫn lộng hành, đẩy nhiều người rơi vào vòng luẩn quẩn.
Bài sau: Đòi lại tiền bị lừa đảo: "Nhiệm vụ" bất khả thi?
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn