Một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị ACC Trung Đông cùng với Đại hội Hiệp hội Tim mạch Emirates lần thứ 10 tại Dubai cho thấy, những người trưởng thành bị mất răng không do chấn thương có thể có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một phân tích, xem xét sự liên quan của tình trạng mất răng không do chấn thương với bệnh tim mạch bao gồm nhồi máu cơ tim, đau thắt lưng và đột quỵ. Nghiên cứu có sự tham gia của 316.588 người Hoa Kỳ và các vùng lãnh thổ, có độ tuổi từ 40-79. Kết quả, tỷ lệ người không có răng mắc bệnh tim mạch là 28% và được so sánh với 7% người mắc bệnh tim mạch nhưng không bị mất răng.
Nghiên cứu cho thấy, ở những người mất răng, số lượng răng bị mất sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
ThS.BS Đoàn Vũ - Giám đốc chuyên môn nha khoa Dr. Care cho biết, số lượng răng giảm sẽ dễ làm tăng mức độ của Lp-PLA2 - một loại enzyme làm tăng viêm, thúc đẩy cứng động mạch và gia tăng các dấu hiệu nguy cơ tim mạch khác như cholesterol xấu, lượng đường trong máu, huyết áp.
Theo bác sĩ Đoàn Vũ, người mất răng sẽ ít hấp thụ rau, chất xơ và vitamin A vì đây là những thực phẩm khó nghiền nát. Tuy nhiên lại có xu hướng hấp thụ nhiều cholesterol, chất béo bão hòa và calo là mầm mống tiềm ẩn gây bệnh tim mạch, ung thư.
"Khi mất răng, vùng nướu răng tại vị trí đó sẽ khó được làm sạch, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, gây tổn thương và nhiễm trùng. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu thông qua các nhiễm trùng trong miệng, lâu ngày gây viêm mạch máu và ảnh hưởng đến tim mạch", bác sĩ Đoàn Vũ chia sẻ.
Nếu răng của một người bị rụng có thể gây nên những lo ngại về sức khỏe tiềm ẩn khác. Bác sĩ khuyến cáo người dân nên chăm sóc sức khỏe răng miệng đầy đủ để ngăn ngừa các bệnh dẫn đến mất răng ngay từ đầu. Trong trường hợp mất răng vĩnh viễn thì nên được khắc phục sớm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn