Lớn lên ở thành phố Louisville, Kentucky (Mỹ), mục sư địa phương Gerome Sutton (66 tuổi) đã mong đợi cả tuần để được đến bể bơi công viên Algonquin vào cuối tuần. Ông cảm nhận: “Đó là khoảng thời gian tuyệt nhất trong tuần, như thể được đón Giáng sinh giữa mùa hè vậy”.
Các công viên thành phố của Louisville được mở cửa cho mọi người vào năm 1955 và bể bơi Algonquin ngoài trời được xây dựng ở phía Tây của Louisville.
Sutton cho biết chi phí để vào bơi thời điểm đó chưa đầy 1 đô la (khoảng 23.000 VNĐ). Ông cùng 7 anh chị em luân phiên nhau đi bơi vào cuối tuần vì gia đình ông không đủ điều kiện để đưa cả 8 người con cùng lúc tới bể bơi.
Bể bơi công cộng đã đóng một vai trò quan trọng đối với văn hóa của Mỹ trong thế kỷ qua. Khi biến đổi khí hậu và nắng nóng trở nên cực đoan, bể bơi lại giữ vai trò đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng. Theo dữ liệu của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (National Weather Service), nắng nóng gây thiệt mạng nhiều hơn bất kỳ hiện tượng tự nhiên nguy hiểm khác.
Tuy nhiên, giờ đây các điểm bơi công cộng đang trên đà suy giảm vì nhiều lý do như tư nhân hóa bể bơi hay thiếu nguồn ngân sách.
Vào đầu những năm 2000, Louisville có 10 bể bơi công cộng, phục vụ cho thành phố với số dân khoảng 550.000 người. Ngày nay, số lượng người tăng lên 640.000 nhưng bể bơi lại giảm xuống 5, kéo Louisville xuống thứ 89 trong 100 thành phố có số lượng bể bơi lớn nhất.
Algonquin là bể bơi duy nhất còn lại ở West Louisville, nhưng chính quyền đã không bảo trì và nâng cấp bể bơi trong nhiều năm qua. Mùa hè này, khi nhiệt độ tăng cao, Algonquin lại phải đóng cửa để sửa chữa. Nhiều người không thể học bơi, trẻ em và thanh thiếu niên không có địa điểm vui chơi lành mạnh.
Trong giai đoạn năm 1950 đến 1962, có 22.000 câu lạc bộ bể bơi tư nhân được mở ở cửa, chủ yếu là ở vùng ngoại ô của người da trắng. Lý do là bởi hàng triệu gia đình trung lưu da trắng đã rời thành phố để về vùng ngoại ô, tự xây dựng hồ bơi ở sân sau nhà. Họ lựa chọn tổ chức các câu lạc bộ có thu phí thay vì xây bể bơi công cộng.
Sự phát triển của các hội nhóm, cộng đồng riêng lẻ ở vùng ngoại ô cũng dẫn đến việc tư nhân hoá hoạt động giải trí. Các thị trấn tự thành lập cơ sở thuế và chính quyền địa phương, cùng với các dịch vụ và tiện nghi của riêng mình.
Cùng với số lượng lớn người da trắng rời bỏ về ngoại ô, khoản tiền đóng thuế và hỗ trợ cho bể bơi giảm dần. Ở Cleveland, ngân sách thành phố sụt giảm 80%.
Vào những năm 1970, đối mặt với làn sóng bất bình của người dân về vấn đề thuế, các khoản đầu tư vào lĩnh vực giải trí suy giảm dần. Năm 1978, cử tri California đã thông qua Dự luật 13, cắt giảm thuế suất bất động sản địa phương, gây khó khăn cho chính sách tài trợ các hoạt động giải trí công cộng. Khi thành phố đóng cửa bể bơi công cộng, bể bơi tư nhân và hồ bơi sau nhà dần nở rộ, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân.
Tình trạng thiếu nhân viên cứu hộ và thiếu nguồn vốn hỗ trợ gây khó khăn cho các hồ bơi địa phương.
Theo Kevin Roth, thành viên của Hiệp hội Công viên và Giải trí Quốc gia Mỹ (National Recreation and Park Association), các công viên và cơ sở giải trí có thể sẽ bị cắt giảm đầu tiên khi ngân sách trở nên eo hẹp và khó thu hồi vốn. Để duy bể bơi công cộng thì thành phố phải bỏ ra số tiền rất lớn để duy trì.
Ngoài ra, việc bố trí nhân viên cứu hộ cho các bể bơi không hề đơn giản. Nguyên nhân là bởi học sinh, sinh viên có nhiều công việc để làm thêm vào mùa hè nên họ không chọn công việc nhân viên cứu hộ như trước kia nữa.
Để cung cấp cho người dân ở West Louisville một địa điểm bơi vào mùa hè này, thành phố đã phê duyệt khoản tài trợ 100.000 đô la (hơn 2.3 tỷ VNĐ) để cung cấp vé miễn phí cho người dân vào một công viên giải trí.
Chính quyền cũng phân bổ 6 triệu đô la (142 tỷ VNĐ) để cải tạo lại Algonquin và một số bể bơi khác. Tuy nhiên một số người dân cho rằng chỉ cải tạo Algonquin là chưa đủ. Họ muốn một bể bơi bên trong nhà mở cửa quanh năm, để mọi người đều có cơ hội để bơi, tham gia các lớp học và rèn luyện thể thao.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn